Để ý một chút trong cách chọn thực phẩm mỗi ngày, bạn có thể đẩy lùi cảm lạnh.Cá: Cá nhiều dầu như cá hồi, cá ngừ và cá thu giàu a xít béo omega 3 giúp giảm viêm sưng trong cơ thể. Viêm sưng mạn tính ngăn hệ miễn dịch hoạt động đúng và có thể gây cảm lạnh, cúm cũng như nhiều bệnh nghiêm trọng hơn. Một nghiên cứu năm 2011 cho thấy những ai bổ sung dầu cá (chứa a xít béo omega 3) trong 3 tháng ít bị viêm sưng hơn và cũng ít triệu chứng lo lắng, một tình trạng có thể làm suy yếu chức năng hệ miễn dịch. Hàu: Kẽm có trong hàu giúp chống cảm lạnh. Một hồi cứu được công bố hồi năm 2012 kết luận rằng bổ sung chất kẽm có thể rút ngắn thời gian bị cảm lạnh ở người lớn.
Thì là: Được xem là thuốc giúp long đờm tự nhiên, thì là có thể giúp chống tắc nghẽn ở ngực và làm dịu cơn ho dai dẳng. Sữa chua: Ăn thực phẩm chứa probiotic như sữa chua là cách tốt để bổ sung các vi khuẩn có lợi, tăng cường sức khỏe tiêu hóa và giúp ngừa đau dạ dày. “Có hơn 10.000 tỉ vi khuẩn sống trong đường tiêu hóa, vì vậy cần chắc rằng vi khuẩn tốt nhiều hơn vi khuẩn xấu”, chuyên gia Ansel nói. Trà: Uống một tách trà nóng có thể giúp chống tắc nghẽn ở ngực và làm dịu cơn đau cổ họng. Tất cả các loại trà như trà đen, trà xanh đều chứa nhiều chất chống ô xy hóa là catechin, có thể có đặc tính chống cúm. Ngoài ra, catechin còn giúp tăng hệ miễn dịch, củng cố quá trình trao đổi chất và chống ung thư, bệnh tim. Ớt đỏ: Giống như các loại trái cây họ cam quýt, ớt đỏ giàu vitamin C. Một trái ớt đỏ chứa 150 mg vitamin C, trong khi hàm lượng này ở một trái cam lớn chỉ khoảng 100 mg. “Nếu bạn bị bệnh, nên bổ sung nhiều vitamin C, từ 400-500 mg/ngày”, theo chuyên gia Ansel. Sữa: Hầu hết vitamin D cơ thể cần để củng cố xương chắc khỏe, chống bệnh tim và tăng cường hệ miễn dịch. Bổ sung vitamin D mỗi ngày có thể giúp ngừa cảm lạnh. Một nghiên cứu của Bệnh viện đa khoa Massachusetts (Mỹ) hồi năm 2009 cho thấy hàm lượng vitamin D thấp có liên quan với nguy cơ cao bị nhiễm trùng đường hô hấp trên. Trong năm 2012, các nhà nghiên cứu này cũng phát hiện rằng bổ sung vitamin D có thể giúp ngừa cảm lạnh ở trẻ em. Nấm: Chứa chất chống ô xy hóa thúc đẩy hệ miễn dịch cùng với kali, vitamin B và chất xơ. Rau nhiều lá: Cải xoăn là một trong nhiều loại rau có thể giúp tăng hệ miễn dịch chống cảm lạnh, cảm cúm. Tỏi: Chứa allicin, một hợp chất sulfuric sản sinh các chất chống ô xy hóa mạnh. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Advances in Therapy cho thấy những ai bổ sung tỏi trong 12 tuần ít bị cảm lạnh hơn so với những người dùng giả dược; thậm chí những người đã bị bệnh nếu có dùng tỏi thì mau hồi phục hơn. Cà rốt và khoai lang: Các loại rau củ màu cam như cà rốt và khoai lang rất giàu beta-carotene. Khi ăn những thực phẩm trên, cơ thể chuyển đổi hợp chất hữu cơ này thành vitamin A, cần thiết cho việc duy trì một hệ miễn dịch mạnh mẽ. Hạt hướng dương: Đây là nguồn cung cấp vitamin E tự nhiên, một chất chống ô xy hóa bảo vệ thành tế bào khỏi bị tổn hại. Vitamin E cần thiết đối với sức khỏe của phổi. Những người có chế độ ăn uống đủ vitamin C và E có phổi hoạt động tốt hơn và ít tạo đờm hơn. (Theo TNO) |