Trí tuệ nhân tạo(AI) đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại của chúng ta. Từ ô tô tự lái đến trợ lý giọng nói, AI đang thâm nhập vào mọi khía cạnh đời sống con người.
Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, những thách thức mới và rủi ro tiềm ẩn nảy sinh đòi hỏi cần có cơ chế quản lý hiệu quả.
Trước thách thức này, 2 gã khổng lồ công nghệ thông tin Meta và IBM đã hợp tác với hơn 40 công ty, tổ chức để thành lập một liên minh công nghiệp chuyên phát triển AI nguồn mở.
Liên minh AI này, bao gồm các công ty như Intel, Sony, Dell, Oracle, AMD…, cam kết phát triển AI một cách có trách nhiệm, chia sẻ công nghệ và giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn liên quan đến công nghệ này.
Ưu tiên quan trọng của Liên minh AI là đảm bảo an toàn và bảo mật cho AI. Việc phát triển phần cứng mới, sử dụng các mô hình AI nguồn mở và cộng tác tích cực với các nhà nghiên cứu khoa học cơ bản là những biện pháp được kỳ vọng đảm bảo sự phát triển minh bạch và có đạo đức của công nghệ AI.
Một trong những cơ chế quan trọng của Liên minh là thành lập Ủy ban Giám sát kỹ thuật và Hội đồng quản trị, với thành phần là chuyên gia nghiên cứu từ các tập đoàn công nghệ lớn.
Điều này sẽ giúp tập hợp được các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau để tiến hành phân tích và đánh giá thường xuyên về sự phát triển trong lĩnh vực AI.
Những người ủng hộ AI nguồn mở tin rằng phương pháp này hiệu quả hơn trong việc tạo ra các hệ thống phức tạp.
Mới đây, Meta phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn đã trở thành nền tảng cho các chatbot AI và hiện chúng có sẵn dưới dạng tài nguyên mở.
Điều đó tạo cơ hội cho các nhà phát triển sử dụng các mô hình sẵn có để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ tạo sinh.
Nick Clegg, Chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Meta, cho biết: “Chúng tôi tin rằng việc phát triển AI nên cởi mở để nhiều người hơn có thể tiếp cận các lợi ích, tạo ra các sản phẩm sáng tạo và hướng tới sự an toàn”.
Các sự kiện gần đây tại OpenAI, bao gồm việc sa thải và phục hồi chức vụ cho Giám đốc điều hành Sam Altman, đã làm gia tăng cuộc tranh luận về sự cần thiết của tính minh bạch trong việc phát triển các công nghệ AI mạnh mẽ.
Tuy nhiên, OpenAI không được nhắc đến trong số những thành viên tham gia liên minh mới thành lập. Cho đến nay OpenAI, công ty đứng sau ChatGPT, vẫn bảo vệ rất cẩn thận các thuật toán và mô hình AI của mình, bắt buộc có sự đồng ý của OpenAI mới có thể truy cập chúng.
Ngay cả những gã khổng lồ khác trong lĩnh vực AI như Google và Amazon cũng không tiết lộ mã nguồn hoặc cho phép các nhà nghiên cứu tải xuống mô hình của họ.
Ví dụ, Amazon đã đầu tư vào liên doanh AI nổi tiếng Anthropic và vừa giới thiệu một mô hình chatbot tương tự như ChatGPT.
Việc thành lập Liên minh AI nguồn mở báo hiệu xu thế sử dụng minh bạch và hợp tác cởi mở trong nghiên cứu AI đang ngày càng gia tăng trong thế giới công nghệ thông tin.
Sáng kiến này có thể là một bước quan trọng hướng tới một tương lai cởi mở và an toàn hơn của AI, thúc đẩy sự cân bằng giữa đổi mới và các tiêu chuẩn đạo đức trong một lĩnh vực đang phát triển nhanh chóng, đầy tiềm năng song cũng ẩn chứa những hiểm họa chưa thể lường hết được.
(theo OL)