Một số chuyên gia đánh giá Luật Lao động 2012 đã có nhiều bất cập. Ảnh TLinh. Luật lao động đi trước sự tiến bộ xã hội
Dự thảo Luật Lao động sửa đổi, Luật Công đoàn sẽ được trình Chính Phủ trong tháng 10-2016 và muộn nhất đến tháng 10-2017 sẽ ban hành. Bởi vậy, đây là thời gian phía Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, VCCI cũng như phía Tổng Liên đoàn tăng cường tiếp thu ý kiến của người lao động cũng như giới chủ sử dụng lao động để góp ý cho những thay đổi của bộ luật.
Trước thông tin này, phần đông đại diện doanh nghiệp tỏ ra vui mừng bởi Luật Lao động hiện hành vẫn còn khá nhiều điểm vướng mắc, bất cập ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư kí Hiệp hội thuỷ sản Việt Nam (Vasep), việc sửa đổi Luật lao động lần này là chủ đề được quan tâm nhất của các doanh nghiệp thuộc ngành thuỷ sản bởi những đây là những doanh nghiệp thâm dụng lao động.
Theo ông Nam, Luật Lao động 2012 còn nhiều điểm bất cập và không phù hợp với năng lực phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Điển hình phải kể đến những điểm như: 2% phí công đoàn, lương tối thiểu, làm thêm giờ…
“Quy định về lương tối thiểu đang gây khá nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Với ngành sử dụng nhiều lao động như Vasep, việc chăm sóc cho người lao động từ chỗ ăn ở, phụ cấp, lương thưởng… đã có nhiều biến chuyển so với thời điểm Luật Lao động ra đời. Bởi vật nêú bây giờ tiếp tục tăng lương tối thiểu, thu nhập của người lao động không tăng do quỹ lương không thay đổi, mà doanh nghiệp sẽ bị đội các chi phí về bảo hiểm, công đoàn”.
Đồng tình quan điểm, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, pháp luật lao động đang tiến bộ hơn so với sự phát triển kinh rế xã hội của đất nước. Lương tối thiểu dâng cao khiến doanh nghiệp ngại khởi nghiệp hoặc ngại mở rộng sản xuất. Ông Cẩm cũng cho rằng, các nhà làm luật không nên chỉ nhìn trong phạm vi hẹp với những người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp mà phải nhìn ra thị trường lao động mở rộng với hơn 53 triệu người để đưa ra những quy định hợp lý.
Ngoài ra, theo ông Cẩm, vấn đề tranh chấp lao động cũng đang có nhiều vướng mắc. Luật đưa ra những quy định chặt chẽ cụ thể nhưng thực tế cho thấy, đến nay có hàng nghìn cuộc đình công không phân xử được vì không thể áp dụng luật.
Đổi cách tiếp cận luật
Góp ý cho những thay đổi của Bộ Luật lao động, ông Lê Anh Ba, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng nêu ý kiến: “Công nhân có tổ chức công đoàn, vậy tại sao giới chủ không có một tổ chức tương tự như vậy để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho giới chủ bởi khi xảy ra tranh chấp cần phải bảo vệ quyền lợi cho cả hai bên. Tôi nghĩ đây là điều luật pháp cần bổ sung”.
Trước vấn đề này, đại diện văn phòng Luật sư Baker and Mckenzy cho biết thực chất Luật Lao động 2012 đã nhắc tới khái niệm đại diện cho giới chủ để cân bằng với công đoàn. Nhưng vấn đề này đến nay chưa được chú trọng. “Đây là vấn đề cần thiết bởi nếu muốn tranh luận cân bằng giữa hai bên là giới chủ, công đoàn và đứng giữa là Nhà nước thì chí ít vai trò của đại diện cho giới chủ cũng phải được công nhân ở một mức độ nào đó”.
Theo chuyên gia lao động Đỗ Quỳnh Chi, việc tiếng nói của giới chủ chưa được nhận định đúng và đủ là vấn đề nhiều doanh nghiệp quan tâm. Dù đã có nhiều ý kiến kiến nghị thay đổi điều này trong luật nhưng chưa được như mong muốn. Theo bà Đỗ Quỳnh Chi, hiện nay tác động đến việc sửa luật của doanh nghiệp chưa đủ mạnh do cách tiếp cận của cộng đồng doanh nghiệp đang đi chệch hướng. Cách tiếp cận của Chính phủ và Công đoàn mang tính toàn thể, hệ thống. Còn cách tiếp cận của doanh nghiệp hiện nay vẫn mang tính nhỏ lẻ, cá nhân.
“Để tiếng nói của doanh nghiệp thực sự tác động được tới nhà làm luật, doanh nghiệp cần đoàn kết, đồng lòng lên tiếng và tạo thành một khối vững chắc bảo vệ quan điểm của mình. Có như vậy, Luật Lao động mới thực sự vì lợi ích của cả doanh nghiệp và người lao động”, bà Quỳnh Chi chia sẻ. |