Còn nhớ bài học ở An Khương năm 2016,ỗibuồntrecircnrẫysắxôi lạc bóng đá đêm nay người dân trong xã ồ ạt trồng sắn, cung vượt cầu khiến nhiều thương lái “chạy làng”. Ông Điểu Phích, Phó ấp 1, xã An Khương kể: “Sắn chất đầy nhà văn hóa ấp chờ thương lái tới, cuối cùng họ không mua, để thối rữa, tôi phải quét dọn mất mấy ngày. Nhiều nhà sắn để trắng đồng không thu hoạch bởi không ai mua, hoặc nếu mua với giá 1.000 đồng/kg bà con cũng không bán bởi không đủ tiền công nhổ. Gia đình tôi cũng bỏ không thu hoạch 9 sào sắn, lỗ 20 triệu đồng chưa tính công cả nhà bỏ ra 5 tháng trồng, chăm sóc”.
Hộ chị Nguyễn Thị Thu lỗ 25 triệu đồng vụ sắn năm nay
Ông Điểu Phế, ấp 1, xã An Khương phải gánh nợ 80 triệu đồng do đầu tư 1,4 ha sắn năm trước. Rút kinh nghiệm, năm nay ông Phế chỉ trồng 6 sào, tuy nhiên không có vốn đầu tư nên củ nhỏ, năng suất kém. “Năm trước gia đình bón 6 lần phân cho vườn sắn nhưng vụ rồi chỉ bón 3-4 lần. Năm nay, năng suất chỉ đạt khoảng 38 tấn/ha, giảm 12 tấn/ha so với năm trước. Vụ này thu được 40 triệu đồng nhưng chi phí đầu tư đã hết 33 triệu đồng, trừ 2 công chăm sóc suốt 4 tháng ròng thì cầm chắc thua lỗ” - ông Phế nói.
Năm trước, hộ chị Nguyễn Thị Thu ở ấp 2, xã An Khương lỗ 50 triệu đồng/ha sắn nên năm nay, chị chỉ trồng 6 sào cho sản lượng khoảng 10 tấn. Chị Thu cho biết: “Nhà ít đất nên tôi phải mượn đất của người thân để trồng thêm, thu nhập chính của gia đình chỉ dựa vào vườn sắn. Tuy nhiên, sắn rớt giá, năng suất kém, lỗ chồng lỗ, bao công sức đổ xuống mà không thu được gì. Tôi phải gom củ nhỏ bán cho người chăn nuôi nhím, gia súc với giá 1.000 đồng/kg, còn lại bán với giá 2.000 đồng/kg. Vụ này nhà tôi “đi tong” ít nhất 25 triệu đồng, nỗi lo cơm áo, gạo tiền lại oằn nặng trên vai. Hơn 1 năm nay, chồng tôi đi làm công nhân để lo cho gia đình, nuôi 2 con nhỏ ăn học”. Chị Thu cho rằng thất mùa sắn bởi giảm mức đầu tư cộng với ảnh hưởng của thời tiết.
Cũng như nhiều nông hộ ở An Khương, chị Thu, ông Phế đang trăn trở tìm hướng đi cho năm tới. “Đợi năm sau coi giá cả sao rồi tính, 2 năm liên tiếp thất thu rồi, nếu năm ngoái để 80 triệu đồng gửi ngân hàng thì vợ chồng già chúng tôi còn có tiền lời mà không phải lam lũ, vất vả, khổ tâm” - ông Phế rầu rĩ. Ông Phế dự định nếu giá sắn tăng sẽ mượn đất mới trồng để đạt năng suất cao.
Năm nay, nông hộ dự đoán giá sắn khoảng 3.000 đồng/kg, không ngờ đến mùa ăn chay hút hàng cũng chỉ 2.000 đồng/kg. Ở An Khương có nhiều hộ trồng nghịch mùa với hy vọng được giá nhưng do thiếu nước, củ nhỏ thương lái không mua nên cũng “trắng tay”. Đầu mùa sắn năm nay, một số hộ còn nhổ bỏ cây non vì thấy giá không nhích lên, số còn lại để chăm sóc với tư tưởng “may nhờ rủi chịu”, không mặn mà đầu tư như trước.
Chủ tịch UBND xã An Khương Dương Công Hằng cho biết: “Vụ sắn năm 2017, An Khương trồng khoảng 19 ha sắn, chủ yếu ở các ấp 1, 2. Năm 2016, xã có khoảng 10 ha sắn của bà con bỏ trắng đồng. Rút kinh nghiệm năm trước, xã đã tuyên truyền, khuyến cáo người dân không trồng tràn lan nên chuyển đổi sang trồng khoai từ. Năm nay, năng suất kém do thời tiết diễn biến bất thường, mưa liên tục nên củ dễ bị thối. UBND xã sẽ nắm tình hình giá thị trường, thời tiết, năm tới nếu củ sắn khả thi hơn các cây trồng khác sẽ tuyên truyền, vận động, có kế hoạch chặt chẽ, kết hợp các bộ phận liên quan hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc thật tốt để hộ nông dân yên tâm sản xuất.
Thanh Mai