Các đại biểu quốc tế tham dự Hội thảo quốc tế về giảm thiểu ảnh hưởng của chất độc hóa học/dioxin ở Việt Nam. (Ảnh: Trọng Đức/ TTXVN)
Ngày 30-5,ảmthiểuảnhhưởngcủachấtđộcdioxinvớiconngườimocircitrườngởViệbxh bd nhat ban tại Hà Nội, Cục Khoa học Quân sự, Văn phòng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam - Văn phòng 701 (Bộ Quốc phòng) phối hợp với Cục Kiểm soát Ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cùng một số cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo Quốc tế về khoa học và công nghệ xử lý, giảm thiểu ảnh hưởng của chất độc hóa học/dioxin tồn lưu sau chiến tranh đối với con người, môi trường ở Việt Nam.
Tham dự Hội thảo có đại diện các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, Bộ Y tế, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam (KOICA), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cùng các nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về một số nội dung như những vấn đề liên quan đến các kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của chất độc dioxin đến con người và một số kết quả hợp tác, hỗ trợ nạn nhân; kết quả nghiên cứu, ứng dụng, thử nghiệm công nghệ và thực hiện xử lý dioxin tại các sân bay: Đà Nẵng, A So, Biên Hòa; kế hoạch thực hiện dự án xử lý dioxin sân bay Biên Hòa; xây dựng tiêu chí, các yêu cầu trong thiết kế công nghệ xử lý dioxin và các giải pháp quan trắc môi trường khi thực hiện các dự án về xử lý chất độc hóa học/dioxin ở Việt Nam...
Thiếu tướng, Phó Giáo sư, tiến sỹ Ngô Văn Giao, Cục trưởng Cục Khoa học quân sự - Bộ Quốc phòng, Ủy viên Thường trực Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam phát biểu. (Ảnh: Trọng Đức/ TTXVN)
Theo Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Ngô Văn Giao, Cục trưởng Cục Khoa học quân sự (Bộ Quốc phòng), trong nhiều năm qua, với sự quan tâm, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã nỗ lực nghiên cứu, khắc phục, xử lý, giảm thiểu ảnh hưởng của chất độc hóa học/dioxin đối với con người và môi trường, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Các điểm nóng về ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin từng bước được ngăn chặn, xử lý, góp phần giảm nguy cơ ảnh hưởng đối với sức khỏe con người và môi trường, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Nhiều nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng và đang được hưởng chế độ, chính sách của Nhà nước.
Trong số đó, đáng chú ý là việc thực hiện thành công Dự án hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ xử lý ô nhiễm dioxin sân bay Đà Nẵng năm 2018, với khoảng 150.000 m3 đất/trầm tích được xử lý từ nguồn vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Hoa Kỳ (khoảng 110 triệu USD) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam (60 tỷ đồng), bàn giao khoảng 32,4ha đất sạch mở rộng sân bay quốc tế Đà Nẵng phục vụ Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp (APEC) năm 2017 và phát triển kinh tế-xã hội của khu vực.
Các đại biểu quốc tế tham dự hội thảo. (Ảnh: Trọng Đức/ TTXVN)
Bên cạnh đó là việc hoàn thành việc xử lý đất nhiễm dioxin tại khu vực sân bay A So (tỉnh Thừa Thiên-Huế) năm 2023, bàn giao khoảng 9ha đất sạch cho địa phương; triển khai Dự án xử lý ô nhiễm dioxin khu vực sân bay Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), giai đoạn 1 từ năm 2019-2028, dự kiến xử lý khoảng 440.000m3 đất nhiễm dioxin.
Sau 5 năm, Dự án đã thực hiện được nhiều hạng mục và bàn giao khoảng gần 10ha đất phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh.
Về hiện trạng và kế hoạch thực hiện Dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa, ông David Liu, đại diện Tetra Tech - nhà thầu Dịch vụ kiến trúc-kỹ thuật 2 của USAID cho biết, với bài học kinh nghiệm thu được từ Dự án xử lý dioxin Sân bay Đà Nẵng, USAID đã bắt đầu xử lý ô nhiễm tại sân bay Biên Hòa vào năm 2019, sử dụng thông tin từ Báo cáo đánh giá môi trường (EA) năm 2016 và theo Kế hoạch tổng thể năm 2020.
Đến cuối năm 2023, các nhà thầu của USAID đã hoàn thành khoảng 35% diện tích xử lý dự kiến và 15% khối lượng đất nhiễm được ước tính trong kế hoạch tổng thể. USAID và phía Việt Nam xác định công nghệ xử lý bằng phương pháp gia nhiệt (TCH) là công nghệ xử lý dioxin được lựa chọn để xử lý 111.170m3 (khối lượng nguyên thổ) đất và trầm tích ô nhiễm nồng độ cao (nồng độ dioxin TEQ bằng hoặc lớn hơn 1.200 ppt) cho giai đoạn 1 của Dự án Xử lý ô nhiễm dioxin khu vực sân bay Biên Hòa.
Tại hội thảo, các đại biểu đề xuất một số kiến nghị đối với các bộ, ngành, trong đó có việc tiếp tục tổ chức rà soát, hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường liên quan đến đánh giá, giám sát, quan trắc môi trường đối với hoạt động xử lý chất độc hóa học/dioxin; tổ chức công tác nghiên cứu khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam.
Cùng với đó, các ban, bộ, ngành, địa phương cần rà soát, hoàn thiện các quy định danh mục các bệnh, tật có liên quan đến chất độc hóa học/dioxin, các biện pháp y tế trong việc chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân; tổ chức thực hiện tốt dự án hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về xử lý chất độc hóa học/dioxin tại sân bay Biên Hòa, dự án hỗ trợ người khuyết tật các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam; tăng cường hợp tác quốc tế trong thực hiện các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ xử lý chất độc hóa học/dioxin ở Việt Nam.