TheìsaophảisửađổiLuậtSởhữutrítuệkết quả nurnbergo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành năm 2005 và được sửa đổi, bổ sung năm 2009 là dấu mốc quan trọng trong lịch sử xây dựng, phát triển và hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ (SHTT) của Việt Nam. Đạo luật này đã thay đổi toàn bộ cấu trúc của hệ thống các văn bản pháp luật trước đây về SHTT, chuyển từ hệ thống các văn bản pháp luật đơn hành thành một đạo luật chuyên ngành thống nhất, đồng bộ, làm nền tảng pháp lý cơ bản để điều chỉnh các vấn đề có liên quan đến việc bảo hộ và thực thi quyền SHTT. Là sự hợp nhất của ba đối tượng được bảo hộ quyền SHTT bao gồm: (i) quyền tác giả (QTG), quyền liên quan đến quyền tác giả (QLQ); (ii) quyền sở hữu công nghiệp (SHCN); và (iii) quyền đối với giống cây trồng (GCT), hiện tại ngoài Luật SHTT, còn có 11 Nghị định quy định chi tiết (17 nếu tính cả các lần sửa đổi) và 22 Thông tư/ Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành (30 nếu tính cả các lần sửa đổi). Con số này thoạt nhìn có thể tạo ấn tượng về một hệ thống SHTT với các quy định đồ sộ về số lượng. Tuy nhiên, nếu tính trên công thức chung của hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam quy định về một lĩnh vực cụ thể thường có cấu trúc tầng bậc từ Luật - Nghị định quy định chi tiết - Thông tư hướng dẫn thi hành, bên cạnh đó có thể có thêm 1 Nghị định xử phạt hành chính, Thông tư hướng dẫn Nghị định xử phạt hành chính và một Thông tư liên quan đến tài chính thì sẽ thấy các văn bản pháp luật trong lĩnh vực SHTT cũng đi theo một cấu trúc và một số lượng tương tự. Bên cạnh đó, đối với một số vấn đề có sự giao thoa giữa lĩnh vực SHTT và các lĩnh vực khác thì có thêm một số thông tư hoặc thông tư liên tịch cho từng vấn đề cụ thể mà thôi (Ví dụ: vấn đề tên miền, tên doanh nghiệp xâm phạm quyền SHTT, vấn đề bảo mật dữ liệu thử nghiệm trong đăng ký thuốc, hay vấn đề kiểm soát biên giới đối với hàng giả mạo và sao chép lậu v.v.). Một điểm đáng lưu ý là do đây là một đạo luật được ra đời trong bối cảnh kế thừa và khắc phục các hạn chế của các luật đơn lẻ trước đó, đồng thời tiếp thu những tiến bộ cũng như đáp ứng các yêu cầu khi Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nên về cơ bản, nội dung của Luật SHTT đã bảo đảm tiêu chuẩn về tính đầy đủ và hiệu quả, mà bằng chứng cụ thể nhất là quãng thời gian thi hành ổn định tới 15 năm kể từ khi ban hành, trừ một số sửa đổi mang tính bổ sung vào năm 2009. Tuy nhiên, trước bối cảnh mới với nhiều chuyển biến mạnh mẽ tác động đến mọi mặt của kinh tế - xã hội như quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu và rộng của Việt Nam thông qua việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, làn sóng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng cũng như mục tiêu hướng tới một Chính phủ kiến tạo, việc sửa đổi Luật SHTT trong giai đoạn hiện nay trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã xác định một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu là “hoàn thiện thể chế về SHTT theo hướng khuyến khích sáng tạo, bảo đảm tính minh bạch và độ tin cậy cao; quyền SHTT được bảo vệ và thực thi hiệu quả”. Ảnh minh họa |