Tháo điểm nghẽn pháp lý để phục hồi thị trường bất động sản Thị trường bất động sản vẫn đối mặt nhiều thách thức Khó khăn của thị trường bất động sản đang giảm dần |
Các chuyên gia tại phiên Toạ đàm. |
Theo khảo sát mới nhất của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, thời điểm hiện tại, nhiều Đại biểu Quốc hội, chuyên gia là thành viên hội đồng tư vấn của Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, doanh nghiệp và nhà đầu tư quốc tế… đều cho rằng, niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường bất động sản Việt Nam đang dần trở lại, năng lượng tích cực và những điểm sáng đã hiện diện.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Nguyễn Toan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản, để phục hồi và phát triển thị trường bất động sản thì nguồn lực tài chính là rất quan trọng. Và điều còn quan trọng hơn, đó là thể chế.
“Thể chế tốt sẽ khai thông nguồn lực và giúp "tiền đẻ ra tiền". "Chiếc áo" pháp lý được nới rộng, dư địa phát triển sẽ mở ra”, ông Phạm Nguyễn Toan nhấn mạnh.
Năm 2023, thị trường bất động sản đã ấm dần lên khi Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương nhìn ra những điểm nghẽn và đang đẩy nhanh cải cách thể chế, đơn giản hoá các thủ tục hành chính, khắc phục những quy định pháp lý chồng chéo, bất cập, gây rủi ro cho người thực hiện.
Theo dự báo của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, thị trường sẽ chính thức phục hồi từ cuối quý 2/2024. Tuy nhiên, xu hướng tốc độ đi lên khá chậm và phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cả khách quan và chủ quan. Có thể thấy, dù đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, nhưng thị trường bất động sản vẫn còn đó những khó khăn và để tháo gỡ.
Cả thị trường vẫn phải đối diện và xử lý hàng loạt vấn đề như: sự suy giảm tổng cầu; các vướng mắc về chính sách, pháp lý chưa được xử lý triệt để ảnh hưởng đến nguồn cung; trở ngại về dòng vốn gây khó khăn cho cả doanh nghiệp và người mua nhà; thủ tục hành chính và quá trình thực thi chính sách, sự đồng hành cùng doanh nghiệp tại một số địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển…
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, thương hiệu và cạnh tranh cũng khẳng định, đây là giai đoạn rất khó khăn đối với thị trường bất động sản. Những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành trong thời gian qua là rất lớn, lớn hơn nhiều so với giai đoạn khủng hoảng năm 2013.
“Có thể nói, đây là những nỗ lực chưa từng có của Chính phủ đối với thị trường BĐS. Đã có rất nhiều hội nghị, cuộc họp của Chính phủ, Thủ tướng được tổ chức để bàn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường. Trong đó, các giải pháp hướng tới tái cấu trúc thị trường, hoàn thiện chính sách để giải quyết các điểm nghẽn của thị trường được quan tâm rất lớn, đơn cử như điểm nghẽn về nguồn cung nhà ở đáp ứng nhu cầu ở thực”, ông Thành nhận định.
Đề xuất giải pháp phát triển phân khúc nhà ở vừa túi tiền tại Việt Nam, TS. Đoàn Văn Bình, Chủ tịch Tập đoàn CEO nêu 5 nhóm giải pháp, trong đó, đối với nhóm giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật, cần đưa ra khái niệm và ban hành tiêu chí xác định nhà ở vừa túi tiền; đồng bộ các quy định về nhà ở vừa túi tiền trong hệ thống pháp luật, chú trọng xây dựng chính sách khuyến khích phát triển nhà ở vừa túi tiền.
“Ngoài ra, cần có chính sách, cơ chế tặng điểm thưởng và tích lũy điểm thưởng cho các chủ đầu tư tạo lập nhà ở vừa túi tiền khi lựa chọn nhà đầu tư làm dự án nhà ở thương mại phân khúc cao hơn. Cùng với đó là tham khảo kinh nghiệm ban hành chính sách khống chế giá trần nhà ở vừa túi tiền bao gồm cả giá bán và giá thuê nhà”, ông Đoàn Văn Bình nói.
Từ góc độ về quy hoạch kiến trúc, KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam kiến nghị, trước hết, phát triển nhà ở xã hội phải do Nhà nước chủ đạo, doanh nghiệp đồng hành.
Bên cạnh đó, phải thiết kế mẫu nhà ở xã hội để áp dụng được tất cả mọi nơi, nhà giống nhau, chỉ khác móng, và cần đầy đủ, thuận tiện cho đối tượng công nhân, người thu nhập thấp.
Đồng thời, trong quy hoạch, cần gắn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân bám vào các giao thông công cộng, từ đó sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề, giúp họ di chuyển thuận tiện giữa chỗ làm và chỗ ở.