Quy định về 3 vấn đề về thuế phòng vệ, tự vệ Để góp phần bảo vệ sản xuất trong nước, dự thảo Luật Thuế XK, thuế NK (sửa đổi) đã nâng cấp cơ sở pháp lý một số quy định về các biện pháp phòng vệ về thuế hiện đang được quy định ở 3 Pháp lệnh (Thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ…) nhằm xác định rõ điều kiện, nguyên tắc, thời gian áp dụng 3 loại thuế này trong Luật Thuế XK, thuế NK để phát huy công dụng hữu hiệu này trong trường hợp các ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại hoặc bị đe dọa thiệt hại do các hành vi bán phá giá, trợ cấp, phân biệt đối xử của các đối tác thương mại. Các nội dung nâng cấp vào Luật chỉ là những vấn đề quy định chung nhất (điều kiện, nguyên tắc, thời gian áp dụng) liên quan đến thuế, không bãi bỏ các nội dung khác của 3 Pháp lệnh trên.
Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị, trong dự thảo Luật chỉ định nghĩa về 3 loại thuế nói trên, đồng thời chỉ đưa vào dự thảo Luật quy định: “việc áp dụng, thay đổi, bãi bỏ thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và thuế tự vệ, bao gồm thẩm quyền quyết định được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành về chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ”. Về vấn đề này, quan điểm của Bộ Tài chính cho rằng, dự án Luật này không thay thế 3 Pháp lệnh về thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ, theo đó, các quy định có liên quan như quy trình, thủ tục điều tra, khiếu nại, thẩm quyền áp dụng sẽ được thực hiện theo các quy định của các văn bản này. Dự thảo Luật chỉ quy định về 3 vấn đề về áp dụng các loại thuế nói trên, bao gồm: điều kiện áp dụng, nguyên tắc áp dụng và thời gian áp dụng. Chỉ quy định mức sàn thuế XK Hiện nay, đối với WTO, Việt Nam đã cam kết mức trần cho 100% số dòng thuế. Thuế suất của khoảng 90% số dòng thuế của các AFTA cũng sẽ được giảm về 0% theo các cám kết trong các Hiệp định thương mại tự do. Theo đó, việc xây dựng mức trần và mức sàn (tối thiểu) của Biểu Khung thuế suất thuế NK như hiện hành sẽ không còn phù hợp trong giai đoạn mới. Vì vậy, để phù hợp với tình hình thực tế và các cam kết mà nước ta đã và đang đưa ra trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, dự thảo Luật Thuế XK, thuế NK (sửa đổi) đã đề nghị bỏ khung thuế suất đối với hàng NK và chỉ quy định mức thuế suất sàn đối với thuế XK. Phó Tổng cục trưởng Vũ Ngọc Anh cho biết, qua tổng hợp các ý kiến cho thấy, các ý kiến tham gia đều nhất trí với đề xuất trong dự thảo Luật. Thẩm quyền ban hành biểu thuế, thuế suất Tại dự thảo Luật Thuế XK, thuế NK (sửa đổi) đề nghị 2 phương án về thẩm quyền ban hành biểu thuế, thuế suất, qua tổng hợp các ý kiến cho thấy, có trên 20 ý kiến đề nghị thực hiện giữ nguyên như hiện hành. Song cũng có gần 20 ý kiến đề nghị thực hiện theo phương án Thủ tướng Chính phủ quy định mức thuế suất cụ thể để phù hợp với bối cảnh mới, đảm bảo sự ổn định cao hơn của biểu thuế. Qua phân tích ưu nhược điểm của từng phương án, Bộ Tài chính kiến nghị thực hiện theo phương án Thủ tướng Chính phủ quy định mức thuế suất. Một số quy định mới về ưu đãi thuế Tại dự thảo Luật Thuế XK, thuế NK (sửa đổi) đã rà soát và bổ sung thêm một số quy định mới về ưu đãi thuế để đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời Luật hóa một số quy định về ưu đãi thuế thời gian qua đã được thực hiện theo các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo thẩm quyền được giao. Phó Tổng cục trưởng Vũ Ngọc Anh cho biết, nhìn chung, các ý kiến tham gia đều thống nhất với các dự kiến sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, một số ý kiến tham gia đề nghị cân nhắc xem xét việc cho phép miễn thuế NK đối với trường hợp hàng hóa sử dụng trực tiếp (không thực hiện dự án đầu tư) đối với vùng kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về an ninh, quốc phòng theo quy định của Chính phủ do khó quản lý.
|