Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 19-3-2020 Theo phóng viên tại Bangkok, hãng tin Nikkei của Nhật Bản ngày 20-3 đã có bài phân tích về tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với ngành du lịch của Đông Nam Á, từ đó tác động đến nguồn thu ngân sách của nhiều quốc gia ở khu vực này. Bài viết nêu rõ đại dịch COVID-19 đang cho thấy sự mong manh của các nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch và khiến các nền kinh tế Đông Nam Á lao đao. Du lịch xuyên biên giới đã chậm lại sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là đại dịch. Các nền kinh tế Đông Nam Á phụ thuộc rất nhiều vào khách du lịch trong và ngoài nước. Tại Thái Lan, doanh thu du lịch của nước này đã giảm 4% trong tháng 1 vừa qua so với cùng kỳ năm trước. Nhiều nhà điều hành khách sạn cho biết tỷ lệ lấp đầy phòng chỉ ở mức khoảng 50% trong tháng 2 và dự kiến các khoản lỗ đáng kể sẽ xảy ra ở quý I năm nay. Theo thống kê của Hội đồng Du lịch thế giới, khách du lịch đã đóng góp tới 13% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực Đông Nam Á vào năm 2018, cao thứ hai chỉ sau khu vực Caribe. Dịch vụ cho khách du lịch nước ngoài đã tạo ra 220 tỷ USD doanh thu khu vực trong năm 2018, hơn 50 tỷ USD so với sản xuất ô tô và 160 tỷ USD từ than đá. Cũng theo Nikkei, ước tính 10 thành viên ASEAN phải đối mặt với thâm hụt tổng ngân sách tới 40 tỷ USD, nếu lượng khách du lịch giảm 50% vào năm 2020 so với năm 2018 và có thể vọt lên tới 150 tỷ USD nếu con số khách giảm xuống còn 0. Thâm hụt ngân sách buộc các nước phải dựa vào vốn vay nước ngoài. Nhưng nếu một số loại tiền tệ quá suy yếu, sẽ dẫn tới phải đối mặt với áp lực từ các nhà đầu cơ. Nợ nước ngoài của Malaysia chiếm hơn 60% GDP, gấp đôi dự trữ ngoại tệ, Indonesia còn gấp 3 lần dự trữ còn Thái Lan thì khoảng 80% dự trữ, tăng 20% trong 10 năm qua. Khách du lịch nước ngoài là một nguồn thu ngoại tệ lớn và thúc đẩy các nền kinh tế. Điển hình như Campuchia chiếm 18% GDP và Thái Lan là gần 20%, mức trung bình của các thành viên ASEAN khác là 5%, vẫn cao hơn rất nhiều so với các nước hàng đầu châu Á như Nhật và Hàn Quốc. Sự bùng nổ của đại dịch có thể sẽ khiến một số quốc gia Đông Nam Á phải sửa đổi chiến lược tăng trưởng của họ để giảm bớt sự phụ thuộc vào du lịch, ngành vốn được đẩy mạnh trong nhiều năm vừa qua. Indonesia chi 2,3 tỷ USD hỗ trợ người dân chống dịch Trong một diễn biến liên quan, chính phủ Indonesia tuyên bố sẵn sàng giải ngân 38.000 tỷ Rupiah (2,3 tỷ USD) cho các chương trình an sinh xã hội nhằm giúp khoảng 70 triệu người dân ứng phó với các tác động tài chính của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Theo phóng viên tại Jakarta, phát biểu tại buổi họp báo trực tuyến ngày 20-3, Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati cho biết bộ này đã lên kế hoạch giải ngân thêm tiền cho các hoạt động ứng phó với COVID-19 thông qua Chương trình Hy vọng gia đình (PKH) hoặc Thẻ lương thực. Năm 2019, đã có khoảng 10 triệu hộ gia đình tại Indonesia đã được hỗ trợ thông qua PKH. Bộ trưởng Indrawati nêu rõ chính phủ đang nghiên cứu và sẽ sớm quyết định về phương thức giải ngân tiền hỗ trợ thông qua PKH, hoặc là tăng số hộ thụ hưởng từ 10 triệu hiện nay lên 15 triệu và giữ nguyên mức hỗ trợ, hoặc là giữ nguyên số hộ thụ hưởng song tăng mức hỗ trợ. Nếu tính mỗi hộ gia đình trung bình có 5 người, số người nhận được hỗ trợ sẽ là 50 hoặc 75 triệu người. Theo một thống kê của Bộ Các vấn đề xã hội, Indonesia đã giải ngân 32.650 tỷ Rupiah cho 10 triệu hộ gia đình vào năm ngoái thông qua chương trình PKH. Mỗi gia đình nhận được khoản trợ cấp cơ bản là 550.000 Rupiah mỗi năm, cộng thêm các khoản trợ cấp khác tùy theo gia cảnh, chẳng hạn như được nhận thêm 2 triệu Rupiah nếu có con đang học trung học. Bộ trưởng Indrawati cho biết Chính phủ Indonesia cũng đang triển khai một chương trình hỗ trợ gạo với số người thụ hưởng lớn hơn. Riêng năm 2019, khoảng 15,5 triệu hộ gia đình đã nhận được hỗ trợ từ chương trình này. Nếu cộng cả hai chương trình an sinh xã hội này, số người được thụ hưởng là khoảng 70 triệu người nghèo. Theo một báo cáo có tiêu đề “Tham vọng Indonesia” của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ 20% dân số nước này tự chủ về mặt kinh tế, khoảng 24,8 triệu người hoặc 9,22% dân số thuộc diện nghèo với thu nhập dưới 1 USD/ngày, và hơn 60 triệu người dễ bị rơi vào tình trạng nghèo đói. Thái Lan giảm lãi suất ngân hàng Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) đã cắt giảm lãi suất cơ bản thêm 0,25%, xuống mức thấp kỷ lục là 0,75% nhằm giảm nhẹ tác động lên nền kinh tế, đồng thời củng cố các biện pháp tài chính đã và sẽ được áp dụng. Phóng viên tại Bangkok cho biết đây là quyết định cắt giảm lãi suất lần thứ 4 kể từ tháng 8-2019 của BoT, được thông qua trong một phiên họp đặc biệt của Ủy ban Chính sách tài chính (MPC) hôm 20-3. Đây là lần đầu tiên BoT triệu tập một phiên họp như vậy kể từ năm 2003. Tuyên bố của BoT nói rằng việc cắt giảm lãi suất cũng sẽ giảm bớt gánh nặng lãi suất đối với những người đi vay bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và giảm nhẹ những căng thẳng về thanh khoản trên các thị trường tài chính. MPC nhìn nhận rằng dịch COVID-19 trong giai đoạn trước mắt sẽ khắc nghiệt hơn dự kiến trước đây và sẽ phải mất thời gian để tình hình trở lại bình thường. Điều này sẽ tác động mạnh tới nền kinh tế Thái Lan. Theo kế hoạch, MPC sẽ có một cuộc họp về chính sách vào ngày 25-3 và dự kiến sẽ đưa ra những cập nhật mới về dự báo kinh tế. Có thông tin nói rằng MPC sẽ cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Thái Lan trong năm 2020 đưa ra trước đây là 2,8%, trong khi một số nhà kinh tế thậm chí còn dự báo tăng trưởng âm trong năm nay. Kinh tế Thái Lan tăng trưởng 2,4% trong năm 2019, mức thấp nhất trong vòng 5 năm. Thái Lan được coi là một trong những nền kinh tế dễ tổn thương nhất trong dịch COVID-19 do dựa nhiều vào khách du lịch Trung Quốc và thương mại với Trung Quốc. Nguồn thu từ khách du lịch nước ngoài chiếm khoảng 11% tổng sản phẩm quốc nội (GPD) của Thái Lan trong năm 2019. Trong khi đó, Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) dự báo số lượng du khách nước ngoài tới nước này có thể giảm 25% trong năm nay do dịch COVID-19. Năm 2019, Thái Lan ghi nhận mức kỷ lục 39,8 triệu lượt du khách nước ngoài, trong đó khách Trung Quốc chi tiêu khoảng 18 tỷ USD, chiếm 30% tổng chi tiêu của du khách nước ngoài tại Thái Lan. Trong bối cảnh khách du lịch Trung Quốc dự kiến sẽ nối lại đi lại trong tháng 4 do tình hình dịch COVID-19 ở nước này lắng xuống, các quan chức ngành du lịch Thái Lan đang chuẩn bị áp dụng một chương trình quản lý an toàn và sức khỏe để giúp các nhà điều hành du lịch nâng cấp khả năng đối phó với dịch bệnh. Các nhà điều hành du lịch ra nước ngoài ở Trung Quốc đã thông báo với các đối tác ở Thái Lan rằng hai tỉnh Chiết Giang (Zhejiang) và Giang Tô (Jiangsu) đã dỡ bỏ những hạn chế về đi lại, nhưng người dân đầu tiên chỉ được đi lại trong tỉnh trước. |