Làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông,ụlùmxùmKhảiSilkkinhdoanhlụaVạnPhúcbậnrộnphảigiảithíchthươnghiệkết quả cúp Hà Nội) là một trong những làng nghề dệt lụa truyền thống nổi tiếng của Việt Nam từ xưa đến nay. Trong làng này có rất nhiều gian hàng bày bán vải lụa và quần áo đa dạng về mẫu mã và màu sắc. Bên cạnh đó, làng có các xưởng dệt lụa và nuôi tằm trực tiếp, thu hút rất nhiều du khách đến tham quan và mua sắm các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam truyền thống và lâu đời này.
Vào những ngày này, sau vụ bê bối về lụa của Khải Silk, những người bán hàng tại làng lụa Vạn Phúc có phần bận rộn hơn vì phải liên tục giải thích cho khách hàng và phóng viên về lụa Vạn Phúc xịn và vải lụa Trung Quốc.
Chị Hải- một chủ cửa hàng tại làng Vạn Phúc, Hà Đông chia sẻ: “Những ngày này, sau vụ bê bối của Khải Silk, khách ra vào cũng không có ảnh hưởng gì nhiều, nhưng người bán hàng ở đây lại khá bận rộn hơn khi phải liên tục giải thích cho mọi người hiểu về hàng Vạn Phúc xịn và hàng Trung Quốc”.
Trong vai một người mua buôn vải lụa, khi phóng viên TBTCVN tỏ ý thắc mắc về những tấm lụa không có logo nhãn mác Vạn Phúc in trên mép biên tấm vải lụa, vẫn chủ cửa hàng trên- Chị Hải giải thích: “Mới đây khi xây dựng khu trung tâm của làng lụa Vạn Phúc, mọi người mới chú ý vào mác logo in trên mép biên lụa còn trước đó thì không. Khung dệt lụa kiểu cũ trước nay của làng thường không có in logo. Mỗi kiểu hoa trên lụa bây giờ muốn có logo lại cần thay một bộ khung mới, mà một bộ khung mới để in được logo chi phí gần chục triệu đồng nên không phải nhà nào cũng có điều kiện để thay hết, chỉ thay những bộ khung đã quá cũ nát”.
Không có logo nhãn mác in trên lụa, nhưng qua khảo sát của phóng viên, rất nhiều chủ cửa hàng khẳng định lụa của nhà là hàng Vạn Phúc xịn và sẵn sàng chứng minh cho khách bằng cách đốt thử miếng vải lụa.
Chị Hải còn “mách nước” thêm: “Không có logo, rất khó để giải thích cho khách hiểu vẫn là hàng Vạn Phúc làm, nhưng nếu muốn chứng minh thì chỉ có đốt lên mới phân biệt được. Khi đốt miếng lụa, nếu miếng lụa sun lại, rồi bóp thấy hết tàn là lụa tơ tằm xịn, còn xoăn lại không bóp được là hàng nilong, còn cháy như rơm là tơ hóa học.”
Khi phóng viên hỏi thăm suy nghĩ về vụ lùm xùm của Khải Silk, chị Hải cho biết: “Ở làng Vạn Phúc không bao giờ có chuyện làm chuyện tráo tên như vậy,người bán hàng tốt nhất nên nói thật về nguồn gốc thông tin sản phẩm với khách hàng của mình để đảm bảo uy tín lâu dài”.
Chị Lan– chủ một cửa hàng cao cấp chuyên bán hàng tơ tằm 100% trong làng lụa Vạn Phúc cũng cho rằng, để kiểm chứng có phải là hàng tơ tằm 100% hay không thì cách hiệu quả nhất vẫn là đốt thử. Chị Lan còn cho biết thêm, lụa Vạn Phúc có đặc điểm là sợi tơ được nhuộm trước khi dệt, vì vậy lụa Vạn Phúc bao giờ cũng dày, mặt lụa đanh, dệt chặt và với người có kinh nghiệm thì có thể cảm nhận được khi cầm trên tay.
Theo khảo sát của phóng viên tại một xưởng dệt làng Vạn Phúc, người ta có thể chia lụa thành 2 loại chính là chất lụa dệt tơ tằm 100% và chất lụa pha.
Kén tằm được nuôi tại làng Vạn Phúc - Hà Đông |
Giá lụa tơ tằm 100% của Vạn Phúc có nhiều loại, tùy vào độ dệt mỏng tơ hay dày tơ và thường có mức giá từ 250.000 - 450.00 đồng/m, thậm chí có loại 700.000 đồng/m trở lên. Còn khăn lụa có giá khá đa dạng, loại khăn lụa bình dân có giá khoảng 200.000 đồng/chiếc và khăn lụa cao cấp có giá từ 450.000đ/chiếc, thậm chí có loại giá 1.000.000đ/chiếc… Sản phẩm khăn lụa thường được nhiều khách mua làm quà tặng.
Tại các ki ốt bán sản phẩm quần áo tại làng Vạn Phúc, đa số quần áo bày bán đều làm từ lụa pha. Theo khảo sát giá của phóng viên, thì loại áo ngắn tay thông thường được bán với giá khoảng 320.000đồng/chiếc, áo dài truyền thống khoảng 750.000đồng/chiếc, quần lụa khoảng 300.000đồng/chiếc... Một số sản phẩm áo ngắn tay chất liệu 50% lụa - 50% cotton có giá khoảng 600.000đ/chiếc, váy ngắn tay khoảng 700.000đ/chiếc...
Mặc dù chưa thể có số liệu để phản ánh về sự ảnh hưởng từ vụ Khải Silk, nhưng hiện tại tình hình hoạt động sản xuất và kinh doanh tại làng lụa Vạn Phúc dường như chưa có ảnh hưởng gì nhiều. Tuy nhiên, qua thông tin trao đổi của những người bán hàng ở làng Vạn Phúc, thì vụ bê bối của một thương hiệu lụa có tiếng như Khải Silk cũng đã có tác động khá mạnh tới tâm lý người mua. Khá nhiều ý kiến của người kinh doanh lụa Vạn Phúc chính hiệu cho rằng, qua vụ Khải Silk, các cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh hơn, để góp phần gìn giữ uy tín cho sản phẩm lụa Vạn Phúc truyền thống, cũng như giúp đảm bảo hơn quyền lợi của người tiêu dùng và người sản xuất ra sản phẩm này./.
Bài và ảnh: Tú Minh