Mối lương duyên “đặc biệt” Tại hội nghị, trong vai trò kép nhà báo- doanh nhân, ông Nguyễn Hữu Dũng- nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) mô tả mối quan hệ giữa nhà báo và doanh nghiệp là một mối quan hệ rất đặc biệt. “Có thể nhìn nhận đây là mối quan hệ đầy lương duyên”, ông Dũng nói. Ông Nguyễn Mạnh Thản- Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Phú Thọ, người được coi là có tiếng nói khá thẳng thắn trên nhiều diễn đàn của VCCI lại có cách lý giải riêng về mối lương duyên báo chí- doanh nghiệp. Cho dẫu vẫn còn có không ít phóng viên thế này thế khác, thậm chí là trục lợi doanh nghiệp song ông Thản vẫn giữ cái nhìn tích cực với báo giới. Theo ông hơn bất kỳ công cụ nào khác, truyền thông đã giúp định hướng một cách đúng đắn về hình ảnh doanh nghiệp và doanh nhân. Ông Thản thích hình ảnh ví von bản thân doanh nhân cũng là người chiến sĩ thời bình, cũng có cả sự hy sinh. “Nhiều doanh nghiệp không hiểu hết mình, không thấy được mình thậm chí không định vị được mình. Khi đó thông qua lăng kính phản biện báo chí, họ (doanh nhân) sẽ biết được mình đang đứng ở đâu. Và vượt ra khỏi tính chất của một hội nghị, ông Thản thiết tha: “Các nhà báo hãy giúp chúng tôi đem được những giây phút sống và làm việc miệt mài của chúng tôi đến với bạn đọc. Hãy động viên những doanh nghiệp mới thành lập hay còn nhiều khó khăn”. Cùng dòng cảm xúc này của đại diện các doanh nghiệp, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nói, trong thời kỳ hội nhập, cạnh tranh toàn cầu doanh nghiệp - doanh nhân như những người đi biển, đương đầu với sóng to gió lớn còn nhà báo như những người yêu thương ở hậu phương luôn lo lắng cho những chàng trai ngoài khơi. Theo ông, doanh nhân trong quá trình làm kinh doanh cũng có lúc “đáng giận” nhưng “giận thì giận các nhà báo vẫn “thương càng thương”. Ông Lộc cho rằng, sự hợp tác giữa báo chí và doanh nghiệp – doanh nhân trong những năm qua là điển hình của hợp tác các bên cùng có lợi. Đối với báo chí, doanh nghiệp là đối tượng phản ánh, doanh nhân là đối tác, cung cấp tài trợ, quảng cáo, mối quan hệ hợp tác này có thể phát triển lâu dài. Hy vọng vào mối quan hệ vốn tốt đẹp giữa báo chí và doanh nghiệp sẽ được tiếp tục, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Hưng Yên và ông Nguyễn Trường Sơn, Tổng giám đốc Tập đoàn Bảo Sơn cho rằng, chính báo chí đã giúp tháo gỡ và thay đổi cơ chế giúp cho doanh nghiệp dễ “thở” hơn, bớt gò bó hơn. “Báo chí hãy làm cho cơ quan quản lý và xã hội chia sẻ được khát vọng của đội ngũ doanh nghiệp tư nhân thay vì dập tắt khát vọng ấy”, ông Sơn tâm sự. Tăng cường liên kết vì lợi ích đất nước Vào dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạnh lần thứ 92, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, đây cũng là thời điểm hết sức đặc biệt với giới doanh nghiệp, doanh nhân cả nước. Tiếp theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, chúng ta đã có hàng loạt nghị quyết Trung ương, Chỉ thị về phát triển DN, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường như Chính phủ ra Nghị quyết 35, Nghị quyết 19 về phát triển DN hay Quốc hội vừa thông quan Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa “Chưa bao giờ vị thế của DN, doanh nhân và những chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp và doanh nhân lại mạnh mẽ như hiện nay. Đây là sự cổ vũ, động viên rất lớn cho đội ngũ doanh nhân và kiến tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp và doanh nhân”- TS Vũ Tiến Lộc khẳng định. Đại diện báo giới phát biểu tại hội nghị, ông Đoàn Minh Huấn- Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đi thẳng vào một vấn đề liên quan đến bối cảnh đặc biệt mà TS Lộc vừa nhắc ở trên. Ông Huấn nói, khi trao đổi với báo giới nước ngoài, nhiều người cho rằng, mỗi một doanh nghiệp Việt Nam như một viên ngọc sáng, trong khi đó, doanh nghiệp Nhật Bản như đất sét. Nghe có vẻ như là một lời khen nhưng lại không đúng. Ngọc sáng nhưng không thể gắn kết nhưng đất sét thì lại có tính liên kết tốt. Điều này cho thấy doanh nghiệp Việt đang yếu liên kết. Cũng theo ông Huấn, trong điều kiện kinh tế thị trường hiện đại hội nhập quốc tế, điểm yếu này không được DN khắc phục sẽ là lực cản ngay tại thị trường trong nước không chỉ thị trường thế giới. “Trên thế giới, các doanh nghiệp liên kết chặt chẽ thông qua vai trò các Hiệp hội, phân tích mổ xẻ từng vấn đề của doanh nghiệp, còn tại Việt Nam đây là một khâu rất yếu. Vì vậy, báo chí Việt Nam trong thời gian tới cần cố gắng tuyên truyền, thông qua vai trò của VCCI khắc phục điểm yếu đó. Và trong Nghị quyết T.Ư 5 cũng nhấn mạnh vai trò hiệp hội khắc phục điểm yếu liên kết hợp tác, cạnh tranh và xác định kinh tế tư nhân cùng với kinh tế nhà nước xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ”- ông Huấn nói. Nói như ông Nguyễn Hữu Dũng và một số ý kiến tại hội nghị, báo chí và doanh nghiệp liên kết là chính là để vì lợi ích đất nước. Trong thời gian tới, rất mong báo chí đồng hành cùng các hiệp hội góp phần vào quá trình phản biện, xây dựng cơ chế chính sách, góp phần cải thiện thể chế, đổi mới sáng tạo- ông Dũng nhấn mạnh. |