Đó là thông tin được các đại biểu đưa ra tại Toạ đàm trực tuyến với chủ đề “Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và phát triển bền vững” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vào chiều nay (27/5).
Phát biểu tại Toạ đàm, ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin: Đến hết tháng 5/2022, xuất khẩu nông-lâm-thủy sản đã đạt 23,2 tỷ USD, nhập khẩu 18,1 tỷ USD, như thế xuất siêu 5,1 tỷ USD. Đây là tín hiệu đáng mừng trong 6 tháng đầu năm, chứng tỏ nông sản đã bắt đầu được thị trường đón nhận. Tất nhiên chặng đường phía trước như thế nào, vẫn còn những yếu tố bất ngờ. Nhưng rõ ràng trong 5 tháng đầu năm, dù gặp nhiều khó khăn như Covid-19, vấn đề thông quan tại cửa khẩu, đứt gãy chuỗi cung ứng, đứt gãy nguồn nguyên liệu nhập khẩu vật tư đầu vào để phục vụ cho trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản... nhưng xuất khẩu ngành nông nghiệp vẫn rất tích cực. Để đạt được kết quả đó, chúng tôi thấy tự tin về một số nét chấm phá trong câu chuyện cấu trúc nền nông nghiệp, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Chúng ta đã thích ứng được, lấy thị trường để điều chỉnh lại sản xuất, mặc dù quá trình này không phải dễ dàng. “Rõ ràng, bên cạnh những khó khăn chúng ta gặp phải trong thời gian vừa qua mà báo chí đã phản ánh và bà con nông dân âu lo, đều thấp thỏm là vật tư đầu vào - vấn đề tồn tại nhiều năm - nhưng có một tín hiệu là, nhiều người nông dân tự giảm chi phí đầu vào bằng cách dùng các chế phẩm sinh học tự sản xuất được”. -ông Lê Minh Hoan khẳng định.
Bên cạnh thành tựu trong lĩnh vực nông nghiệp, theo ông Võ Thành Hưng - Thứ trưởng Bộ Tài chính: Năm 2021, mặc dù nền kinh tế trong nước đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức do tác động của dịch Covid-19, nhưng thu ngân sách nhà nước vẫn vượt 16,8% so với dự toán, cơ bản thu ngân sách tại các địa phương và trung ương đều đạt và vượt dự toán. Chính điều đó đã giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn. Đặc biệt, cơ cấu thu cũng thể hiện sự bền vững, trong đó thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước ngày càng chiếm vị trí chủ đạo, thu từ dầu thô, đất đai giảm so với giai đoạn trước. Về dự báo thu ngân sách năm 2022, ông Võ Thành Hưng cho biết: Nếu không có biến động lớn xảy ra, thì thu ngân sách nhà nước năm 2022 sẽ khả quan, vượt dự toán năm, từ đó tạo thêm nguồn lực cho đầu tư toàn xã hội và hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế. Ngoài những “khởi sắc” về mặt kinh tế, vấn đề an sinh xã hội thời gian qua cũng được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Theo ông Lê Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thời gian qua, Việt Nam đã ban hành một loạt các chính sách an sinh xã hội, chính sách tài khoá, tiền tệ. Điển hình như chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, hiện đã giải ngân được 4 tỷ đồng. “Chính sách được thực hiện không chỉ nhằm chia sẻ với những khó khăn của người lao động, mà còn chia sẻ với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giữ chân người lao động quay lại làm việc”– ông Lê Văn Thanh cho biết. Bên cạnh những điểm tích cực, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công vẫn được đánh giá là “gam trầm” trong bức tranh kinh tế những tháng đầu năm 2022. Theo đó, các ý kiến tại Toạ đàm đều đồng ý cho rằng, vấn đề giải ngân đầu tư công thời gian qua vẫn còn chậm, dù đã được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo. Hiện theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 5/2022, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 22-23% quyết toán năm, mức này tuy đã cao hơn so với cùng kỳ năm 2021, tuy nhiên nếu so với kế hoạch năm thì thấp. Lý giải về nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công thấp, ông Võ Thành Hưng cho rằng, thứ nhất phải kể đến công tác chuẩn bị đầu tư của các bộ, ngành, địa phương với các dự án là yếu. Thể hiện ở việc dự toán Chính phủ giao không phân bổ hết ngay từ đầu năm mà nhiều lần trong năm. “Tính đến nay, có 11 bộ và 17 địa phương chưa phân bổ hết dự toán năm 2022”– ông Võ Thành Hưng thông tin. Thứ 2 là vấn đề giải phóng mặt bằng, thời gian qua, giá nhà đất tăng, dẫn tới công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn hơn, bên cạnh đó có nhiều vụ việc liên quan đất đai khiến công tác giải phóng mặt bằng gặp vướng mắc. Thứ 3, nguyên vật liệu tăng cao, nhiều chủ đầu tư chấp nhận bỏ cọc dẫn đến dự án bị chậm tiến độ. Thứ 4, là khâu tổ chức thực hiện tại nhiều bộ, ngành, địa phương còn yếu, vì cùng 1 cơ chế, chính sách nhưng có bộ, ngành địa phương làm tốt, lại có bộ, ngành địa phương làm chưa tốt.
Thừa nhận công tác giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua dù đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm, thúc đẩy, nhưng vẫn chậm so với kế hoạch đề ra. Ông Hầu A Lềnh - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc – cho rằng: Giải pháp tốt nhất để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công hiện nay là ưu tiên trọng tâm hướng dẫn cho các địa phương hoàn thiện thủ tục. Cùng với đó, huy động sức dân tham gia giải ngân vốn đầu tư công, giống như cơ chế chương trình xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, cần có thêm các chính sách huy động nguồn vốn tư nhân trong và ngoài nước tham gia vào tiến trình giải ngân vốn đầu tư công. Đồng tình với quan điểm cần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhằm khơi thông nguồn vốn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, TS Nguyễn Sĩ Dũng – nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, nếu làm được điều đó, Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để hoàn thành tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
|