Cụ ông 78 tuổi,ưởtrận đấu blackburn bà 73, tính đời gần viên mãn ai ngờ lại... ra tòa ly hôn (năm 2016). Cái ngày ấy, cụ bà nhất quyết không chịu nhưng cụ ông thì quyết tâm ly dị cho bằng được. 15 ngày sau, bản án có hiệu lực.
Tranh chấp đất đai gây ra biết bao hệ lụy cho nhiều gia đình. (Ảnh minh họa)
Nếu chỉ là sự kiện pháp lý về hôn nhân như vậy có lẽ không làm gia đình này mấy xáo xào, nhưng đến năm 2019, ông bà lại “đáo tụng đình” bởi chuyện đất đai và hơn chục con, dâu, rể cũng phải hầu tòa vì là những người có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Quyết ly hôn
Một thẩm phán Tòa án nhân dân huyện Long Mỹ kể, thụ lý đơn yêu cầu ly hôn của cụ ông mà ngỡ ngàng. Thường thì những vụ ly hôn của người lớn tuổi, tòa làm nhiệm vụ động viên rút đơn, hàn gắn nghĩa keo sơn, nước cuối thì mới mở phiên tòa. Trường hợp của cụ ông, dù có nhiều biện pháp nhưng phải áp dụng cách cuối cùng.
Ngược về mấy chục năm trước, năm 1959, ông và bà nên duyên trầu cau tuy đơn sơ mà đầy niềm vui của hai họ. Hồi đó đâu có đăng ký kết hôn, đến năm 2009, được ấp, xã động viên, ông bà đến xã khai thông tin để danh chính ngôn thuận trong giấy chứng nhận kết hôn. Ai ngờ giấy đó là cơ sở pháp lý để tòa xử ly hôn.
Có nhiều nguyên nhân cụ ông nêu ra để muốn ly dị với cụ bà như bất đồng quan điểm, không hợp tính tình, bất đồng trong sinh hoạt vợ chồng; đến năm 1992 thì ông bà ly thân. Năm 2016, ông bà phát sinh thêm bất đồng về sử dụng tài sản là quyền sử dụng đất nên hai bên thường xuyên cự cãi… Sau đó, cụ ông nộp đơn.
Dù ấp, xã, đoàn thể và bước đầu ở tòa, cán bộ phụ trách hết lòng hàn gắn mối bất hòa nhưng đều không thành, buộc lòng tòa phải xử theo luật.
Bản án ghi: Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm, bà không đồng ý ly hôn, yêu cầu được đoàn tụ nhưng bà không đưa ra được căn cứ gì để hàn gắn tình cảm vợ chồng. Mặt khác, vợ chồng ông bà đã ly thân thời gian dài, không còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau. Thời gian ly thân kéo dài nhưng ông bà không tìm cách giải quyết để hàn gắn lại. Điều đó chứng minh rằng mâu thuẫn trong quan hệ vợ chồng của ông bà là trầm trọng, mục đích hôn nhân không đạt được, mâu thuẫn kéo dài nên không thể tiếp tục duy trì cuộc sống vợ chồng. Từ đó, tòa chấp nhận yêu cầu ly hôn của nguyên đơn cụ ông.
Không như các phiên tòa ly hôn thường thấy là con chung ai nuôi, ai cấp dưỡng, hoặc là chuyện giành giật con, ở phiên tòa này, tất cả con chung đều trưởng thành, người lớn tuổi nhất sinh năm 1961 nên chỉ lẳng lặng nhìn mẹ cha ra về.
Những tưởng đường ai nấy đi thì êm chuyện, nhưng đó chưa phải là bi kịch khi tại phiên xử ly hôn ấy ông bà chưa yêu cầu chia chác đất đai cho rõ ràng, vậy là 3 năm sau, ông bà và con, dâu, rể phải “đáo tụng đình” vì chuyện đất cát.
Chia đôi tài sản và...
Số là trong phần đất chung, cụ ông kêu con thứ bán 1 công đất để có tiền xây nhà mồ cho cha mẹ ông. Chuyện mua bán của cha con coi như xong, tiền chồng đủ, chờ ngày giao đất thì cụ bà biết. Lấy quyền sở hữu chung về tài sản, cụ bà ngăn cản. Thỏa thuận đi vào bế tắc nên cụ ông khởi kiện phân chia tài sản chung sau ly hôn.
Ra tòa lần này cụ bà cũng nhất quyết “không” còn ông thì ngược lại. Bà cho biết: Không đồng ý phân chia tài sản chung theo yêu cầu của… chồng, mà muốn sau khi “vợ chồng” qua đời thì sẽ giao toàn bộ phần đất chung ấy cho thằng út, vì hiện nó đang canh tác trên 16 công đất đó (con trưởng và thứ đều được chia đất, ra riêng trước đó hết).
Vị thẩm phán phụ trách phiên tòa này kể, 2 lần “không” của cụ bà, xét về tình, thật đáng suy nghĩ, bà muốn gia đình êm ấm, cần gì ngồi lại tâm tình nhưng đều không thắng được lý. “Vụ trước và vụ này, có căn cứ pháp luật để xét xử nên dù muốn níu kéo cũng không thể làm gì khác được”, thẩm phán cho biết.
“Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông”, tòa tuyên chia đôi hầu hết đất đai, tài sản của ông bà; ai nhận đất, tài sản thì trả lại phần tiền chênh lệch cho bên còn lại… Bởi vì lý thắng tình nên ông còn được chia 3 cây dừa, 2 cây me, 1 cây sung…
Cũng vì tình thua lý mà con út chẳng được chia chác gì…
Án có hiệu lực, cơ quan thi hành án phối hợp với chính quyền địa phương thi hành để chấm dứt sự kiện pháp lý vốn nhiều lời bàn ra tán vào ở xóm giềng. Nhưng gần 3 năm nay, mỗi khi được yêu cầu và tổ chức chia tài sản của ông bà thì các con ra tay cản trở, không thể thi hành.
Chia đôi tài sản và chuyện tình, lý thi hành bản án này, bên nào sẽ thắng đây? Cưỡng chế thi hành án không?
Có những phân tích về “bất đồng trong sinh hoạt vợ chồng” của ông bà nhưng “bất thành văn” nên đó không hẳn là căn nguyên của “mâu thuẫn”; song họ vịn vào đó nói nếu không có “bất đồng…” thì viên mãn - tròn đầy.
Câu chuyện có thật về một vụ án ở Long Mỹ nay chưa có hồi kết...
TRÍ THỨC