Đánh thức tiềm năng
Vụ vải năm nay vừa chính thức kết thúc. Số liệu thông qua kiểm dịch thực vật cho thấy, tổng lượng vải XK cả vụ đạt trên 100 nghìn tấn quả tươi, tăng hơn 10 nghìn tấn so với năm trước. Vải được XK đi khoảng hơn 20 thị trường, điển hình như Australia, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Asean… Trong đó, thị trường Australia rất đáng chú ý khi lượng XK tăng hơn năm trước mà chi phí XK lại theo chiều hướng giảm xuống nhờ giảm được chi phí vận chuyển vào miền Nam chiếu xạ, đồng thời vải thiều cũng được trợ giá vận chuyển bằng đường hàng không.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Australia, khác với năm 2015, năm nay vải thiều XK sang Australia chủ yếu được tiêu thụ tại hai 2 thành phố Sydney và Melboune. Mặc dù trái vải Việt Nam vẫn phải cạnh tranh với vải Trung Quốc do Trung Quốc có lợi thế được vận chuyển bằng đường biển, giá thành thấp hơn hẳn, tuy nhiên, vải thiều Việt Nam tiếp tục được đón nhận tại thị trường Australia do chất lượng ngon hơn hẳn vải Trung Quốc.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết: Tại nhiều thị trường “khó tính” với yêu cầu kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, EU…, dịp đầu năm nay, trái cây XK của Việt Nam đã tăng cả lượng lẫn giá trị. Điều đáng nói là, cơ hội mở rộng thị trường XK còn khá lớn.
Ngoài trái vải, hiện nay xoài và thanh long là hai mặt hàng đang được thúc đẩy để XK sang Australia. Ở thị trường Nhật Bản, ngoài thanh long và xoài, cơ quan chức năng cũng đang nộp thêm cả hồ sơ “mở cửa” cho vải thiều, nhãn, chôm chôm. Đối với Hàn Quốc, vú sữa, vải thiều là hai mặt hàng được đề xuất thêm, ngoài mặt hàng xoài đã được phép XK. Phía Hàn Quốc đang đánh giá các công đoạn cuối cùng để cho phép vú sữa Việt Nam được XK vào thị trường này. “Nói tới tiềm năng XK trái cây, Mỹ là thị trường không thể bỏ qua. Hiện nay, Việt Nam đã có 4 loại trái cây XK vào Mỹ gồm thanh long, chôm chôm, nhãn và vải thiều”, ông Trung nói.
Vượt rào cản kỹ thuật
Ông Hoàng Trung phân tích, khi hội nhập sâu, đặc biệt là khi tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), lộ trình thuế suất giảm dần cũng đồng nghĩa với việc các rào cản kỹ thuật như điều kiện kiểm dịch, an toàn thực phẩm sẽ tăng lên. Đây là một trong những khó khăn lớn nhất trong XK trái cây nói riêng, XK các mặt hàng nông sản nói chung. Hồ sơ một loại trái cây để được một quốc gia chấp nhận nhanh thì mất 1 năm, còn trung bình khoảng 3-4 năm, thậm chí lâu hơn có thể mất tới cả 10 năm.
Nhiều nước NK đang đưa ra yêu cầu với trái cây tươi của Việt Nam là phải đảm bảo không dịch bệnh, không có thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy định. Về vấn đề kiểm soát dịch bệnh, thông thường yêu cầu đặt ra là trước khi XK trái cây phải được xử lý bằng hơi nước hoặc chiếu xạ. Việt Nam hiện đã có các cơ sở chiếu xạ ở cả miền Bắc lẫn miền Nam, đồng thời cũng có 5 cơ sở xử lý hơi nước nóng công suất lớn đặt tại miền Trung (2 cơ sở) và TP. HCM (3 cơ sở), về cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Liên quan tới thuốc bảo vệ thực vật, để kiểm soát tốt, Cục Bảo vệ thực vật đang tổ chức kiểm soát, giám sát chặt chẽ các vùng trồng trái cây an toàn, triển khai cấp mã số xác nhận theo vùng.
“Hiện nay, Việt Nam có khoảng 10 loại trái cây XK tiềm năng. Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Cục Bảo vệ Thực vật luôn tập trung tháo gỡ các rào cản về kỹ thuật và hỗ trợ DN XK. Thông qua đàm phán, khi thực hiện được thủ tục hồ sơ cho loại trái cây nào là Cục tiến hành làm ngay. Động thái này nhằm dọn sẵn đường cho các DN XK”, ông Trung nhấn mạnh.
Ngoài nỗ lực để mở cửa thị trường, vượt qua rào cản về mặt kỹ thuật, một số chuyên gia cho rằng, muốn XK trái cây tận dụng tốt cơ hội trong hội nhập sâu, điều quan trọng là cần thu hút được đông đảo DN tham gia sản xuất, XK. Hiện nay, số lượng DN XK trái cây tươi khá khiêm tốn. Một trong những lý do khiến DN chưa mặn mà là bởi rủi ro cao, các loại chi phí cũng lớn, điển hình như chi phí vận chuyển. Có DN còn ví von rằng, cùng 1kg trái cây nhưng các loại chi phí để XK từ Thái Lan sang Việt Nam rẻ hơn từ Việt Nam XK sang Thái Lan tới 2 USD. Do vậy, các chuyên gia khuyến cáo, Nhà nước cần có chính sách thu hút hợp lý, tạo điều kiện ưu đãi thuận lợi để kéo DN tham gia sâu hơn vào lĩnh vực sản xuất, XK trái cây nói riêng, XK các mặt hàng nông sản nói chung.