“Thầy Ba Đợi” là vở CL do PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ - Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam viết kịch bản văn học; chuyển thể CL: Hoàng Song Việt và Phạm Văn Đằng; NSƯT Triệu Trung Kiên (Nhà hát CL Việt Nam) và đạo diễn Lê Trung Thảo (Nhà hát CL Trần Hữu Trang) dàn dựng. “Đây là vở CL lần đầu tiên quy tụ hơn 60 nghệ sĩ cả hai miền Nam - Bắc đến từ Nhà hát CL Việt Nam,ônvinhThầyBaĐợkèo nhà cái năm Nhà hát CL Trần Hữu Trang, Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, Đoàn nghệ thuật CL Long An tham gia và là công trình nghệ thuật kỷ niệm một thế kỷ hình thành và phát triển của nghệ thuật CL”, NSƯT Xuân Vinh - quyền Giám đốc Nhà hát CL Việt Nam phát biểu. Soạn giả Hoàng Song Việt, thành viên sáng tạo vở diễn chia sẻ: “Sau thời gian suy nghĩ, trăn trở, chúng tôi quyết định chọn nhạc sư Nguyễn Quang Đại để tôn vinh nhân dịp 100 năm hình thành di sản CL vì ông là người có công rất lớn trong việc sáng tạo và truyền dạy cổ nhạc miền Nam”.
Một cảnh trong vở diễn “Thầy Ba Đợi”
“Thầy Ba Đợi” kể lại một giai đoạn lịch sử của dân tộc (thời vua Hàm Nghi). Trong đó, khắc họa cuộc đời và sự nghiệp của thầy Ba Đợi, người có công đóng góp ba việc quan trọng cho cổ nhạc Nam bộ đó là: Cải biên những bài bản đã có sẵn của đờn ca Huế; sáng tác những bài bản có hơi điệu mới và hệ thống lại hơi điệu cho 20 bài bản Tổ thành Bắc, Nam, Hạ và Oán. Nhờ vậy mà đã thu hút đông đảo cư dân bản địa say mê và học chơi đờn ca tài tử cho đến ngày hôm nay. Nhân vật thầy Ba Đợi do 4 nghệ sĩ: Quang Khải, NSƯT Xuân Vinh (Nhà hát CL Việt Nam); NSƯT Thanh Tuấn, NSƯT Lê Tứ (Nhà hát CL Trần Hữu Trang) thủ diễn. Ngoài ra, còn có sự góp mặt của các nghệ sĩ có khả năng ca - diễn đạt trình độ cao như: NSND Vương Hà, NSƯT Hùng Minh, NSƯT Quế Trân, NSƯT Hữu Quốc, NSƯT Quỳnh Hương, NSƯT Thu Trang… Tất cả đã góp phần làm cho vở diễn “Thầy Ba Đợi” gieo vào lòng giới thưởng ngoạn những cung bậc cảm xúc khác nhau.
NSƯT Triệu Trung Kiên, đạo diễn vở “Thầy Ba Đợi” cho biết: “Trong một công trình nghệ thuật có ý nghĩa như thế này, các thế hệ nghệ sĩ CL hai miền Nam- Bắc mới có cơ hội đứng chung sân khấu. Hy vọng, sau chương trình này, nghệ sĩ hai miền có thể kết hợp, cộng tác với nhau trong nhiều vở diễn khác nữa, nhằm góp phần bảo tồn và gìn giữ những tinh hoa của sân khấu CL”.
Sau những suất diễn ở phía Nam, “Thầy Ba Đợi” được giới thiệu đến khán giả thủ đô vào ngày 27 và 28-5 này tại Nhà hát Lớn Hà Nội. “Thầy Ba Đợi” không chỉ giúp người xem hiểu rõ hơn về cội nguồn, về những công lao đóng góp của nhạc sư Nguyễn Quang Đại cho nghệ thuật dân tộc, mà còn giới thiệu đến công chúng những vẻ đẹp, những giá trị độc đáo của di sản nghệ thuật được sản sinh tại vùng đất phương Nam.
Thầy Ba Đợi tên thật là Nguyễn Quang Đại, thuộc dòng họ Nguyễn Nhữ ở vùng Hải Quế (nay thuộc xã Hải Quế, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị), sinh năm Mậu Ngọ (1858), mất ngày 19 tháng giêng nhưng không rõ năm nào. Sau biến cố kinh đô Huế thất thủ năm 1885, rất nhiều quan lại, dân binh của triều đình Hàm Nghi bỏ xứ chạy vào miền Nam, trong đó có nghệ nhân Nguyễn Quang Đại. Tại đây, ông bắt đầu truyền dạy âm nhạc cho các môn đệ ở một số địa phương như: Bình Dương, Biên Hòa, Sài Gòn - Gia Định, Long An… Các thế hệ học trò thành danh của ông gồm có: Sáu Thới (tức Lại Văn Thới), Nguyễn Văn Thinh, Tư Nghị, Năm Cần, nhạc Láo… Thực hiện đạo lý: “Uống nước nhớ nguồn”, năm 1995, Câu lạc bộ Ca nhạc Tài tử quận 8 và Nhà Văn hóa quận 8 (nay là Trung tâm Văn hóa quận 8, TP.Hồ Chí Minh) lần đầu tiên long trọng tổ chức Lễ húy kỵ và thờ linh vị ông tại đây. Nhưng theo nguyện vọng của nhân dân tỉnh Long An, ngày 8-3-1996, linh vị ông được rước về thờ tại đình Vạn Phước (tỉnh Long An) cho đến ngày hôm nay.