Theo Sở Công Thương TPHCM, thời gian qua thành phố đã xây dựng hệ thống bán lẻ, hệ thống các doanh nghiệp cung ứng thực phẩm đầu mối, các chợ đầu mối, xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm nhằm phát triển hệ thống thương mại đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân với các hệ thống phân phối hiện đại phát triển mạnh mẽ. Mặc dù vậy, 70% nông sản thực phẩm của thành phố phân phối theo kênh thương mại truyền thống là các chợ dân sinh không được kiểm soát chặt chẽ về an toàn thực phẩm (ATTP). Kết quả khảo sát sát 500 hộ tiêu dùng, 400 hộ nông dân, 3 chợ đầu mối và trên dưới 10 kênh phân phối hiện đại cho thấy, các kênh phân phối truyền thống, có nhiều điểm chưa kiểm soát được về an toàn thực phẩm. Phần lớn rau củ quả không có bao bì, thương hiệu, không đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn sinh học. Rau củ quả từ các tỉnh vận chuyển đến TPHCM bằng các phương tiện vận tải không chuyên dùng, không đảm bảo an toàn Riêng mặt hàng thịt heo, mặc dù hoạt động truy xuất nguồn gốc được thực hiện khá tốt, tuy nhiên vẫn còn tồn tại nguy cơ không đảm bảo an toàn thực phẩm, vì nguồn heo hơi không đảm bảo được việc nhận diện và khó kiểm soát nguồn nuôi. Ông Trần Tiến Khai, Giảng viên trường Đại học kinh tế TPHCM cho rằng, mặc dù thời gian qua, TPHCM và các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho các sản phẩm nông sản tại hệ thống phân phối tuy nhiên chỉ giải quết được từng phần chứ chưa giải quyết được gốc rễ vấn đề. Hiện tại mới chỉ có phần lớn hệ thống phân phối hiện đại có khả năng đảm bảo an toàn thực phẩm. Đề xuất các giải pháp tổ chức sản xuất và quản lý ATTP tại nguồn, ông Trần Tiến Khai cho rằng TPHCM và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động có cơ sở giết mổ, dây chuyền giết mổ, quy trình giết mổ, phương tiện vận chuyển, kho chứa thịt. Tiếp tục thành lập vận động hợp tác xã nông nghiệp mới dựa trên liên kết được đảm bảo đầu ra và áp dụng sản xuất ATTP có truy xuất nguồn gốc sản phẩm, củng cố hợp tác xã hiện có, tăng cường đào tạo về công tác quản lý, lập kế hoạch, quản lý và thực hiện dự án, quản lý tài chính kế toán hợp tác xã trên cơ sở hợp tác với vùng; phát huy kết nối thị trường giữa nhà sản xuất và người thu mua bán lẻ có áp dụng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm đễ hỗ trợ tiêu thụ sản xuất... Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Ban chủ nhiệm Đề án “Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm giữa TPHCM và các tỉnh thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” cho rằng, việc tiếp cận từ nguồn cung để giải quyết các vấn đề về an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm thời gian qua chưa hiệu quả mặc dù nhà nước vận động người nông dân sản xuất theo các tiêu chuẩn ATTP thông qua nhiều cơ chế, tuy nhiên không giải quyết được bất cập từ hoạt động sản xuất của người nông dân về chi phí đầu tư và giá thành khó cạnh tranh. "Do đó, để giải quyết vấn đề này phải chuyển đổi cách tiếp cận từ cung sang cầu. Thị trường TPHCM phải giữ vai trò định hướng và dẫn dắt sản xuất, định hướng thị trường để các sản phẩm hàng hóa vào TPHCM phải có thương hiệu và đáp ứng được các quy cách về bao bì, đóng gói. Các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc cần đưa vào nội quy, yêu cầu bắt buộc phải thực hiện mới được đưa ra thị trường...", ông Hòa nhấn mạnh. |