');this.closest('table').remove();"> |
Thiếu úy Hồ Văn Nanh (ngoài cùng bên phải), hòa đồng với đồng đội |
Tuy về công tác ở Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 6, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh chưa lâu, nhưng Thiếu úy Hồ Văn Nanh, Chính trị viên phó, Đại đội 2, Tiểu đoàn 1 luôn được cán bộ, chiến sĩ đơn vị yêu mến bởi sự tận tình, năng nổ trách nhiệm trong từng nhiệm vụ và sự hòa đồng, vui vẻ với đồng đội.
Năm 2020, sau khi tốt nghiệp Trường đại học Luật (Đại học Huế), chàng thanh niên trẻ người dân tộc Pa Kô - Hồ Văn Nanh đã xung phong lên đường thực hiện NVQS, đơn giản chỉ với ý nghĩ là thực hiện nghĩa vụ của một công dân đối với Tổ quốc. Sau quãng thời gian huấn luyện, học tập ở đơn vị (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh), anh càng thêm yêu màu áo lính, muốn cống hiến và phục vụ lâu dài trong quân ngũ. Đó là động lực để Hồ Văn Nanh tiếp tục thi tuyển vào Trường Sĩ quan chính trị và trở thành một người quân nhân cách mạng.
Không còn là chàng tân binh bỡ ngỡ của những ngày đầu khi bước vào quân ngũ, ngay sau khi tốt nghiệp về nhận nhiệm vụ tại đơn vị mới, Thiếu úy Hồ Văn Nanh đã thể hiện được sự trưởng thành, năng động của một cán bộ chính trị.
Là một cán bộ chính trị lại là cán bộ đoàn, Thiếu úy Hồ Văn Nanh luôn quan tâm, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng để kịp thời động viên, giải quyết vướng mắc giúp chiến sĩ an tâm học tập, huấn luyện. Anh cũng tích cực tìm tòi, sáng tạo các mô hình, hoạt động để tạo sân chơi bổ ích cho cán bộ, chiến sĩ sau những giờ huấn luyện, học tập căng thẳng.
Chia sẻ về kinh nghiệm quản lý cũng như tạo được sự yêu mến, tin tưởng đối với chiến sĩ mới, Thiếu úy Hồ Văn Nanh vui vẻ: Thực ra chẳng có “bí quyết” gì đặc biệt, là đơn vị huấn luyện chiến sĩ mới, mỗi năm tiếp nhận hàng trăm thanh niên đến từ nhiều nơi, có hoàn cảnh gia đình, năng lực, trình độ khác nhau, nên khi các chiến sĩ nhập ngũ về đơn vị, chúng tôi tìm hiểu tư tưởng của chiến sĩ bằng nhiều kênh thông tin khác nhau như liên hệ với gia đình, địa phương, bạn bè, đồng hương và qua thái độ, hành vi, biểu hiện, nếp sống sinh hoạt của bộ đội. Sau đó, chúng tôi phân loại chiến sĩ theo từng nhóm. Đối với những chiến sĩ có dấu hiệu đặc biệt như tâm lý không vững vàng, lo lắng, căng thẳng…, chúng tôi chủ động gặp gỡ, tìm hiểu thêm thông tin để có biện pháp uốn nắn, nhất là nhẹ nhàng động viên, chia sẻ, giúp đỡ ngay từ đầu để các em sớm thích nghi với môi trường mới.
Ngoài việc nắm bắt trực tiếp tâm lý chiến sĩ, thường xuyên động viên, cùng chơi, cùng sinh hoạt với chiến sĩ, việc nghiên cứu, học hỏi các kiến thức mới, trau dồi kỹ năng, kinh nghiệm cũng giúp Thiếu úy Hồ Văn Nanh trưởng thành hơn mỗi ngày. Nhờ đó, anh có những biện pháp, cách thức để kịp thời nắm bắt diễn biến tư tưởng và giải quyết vấn đề về tư tưởng của chiến sĩ, kịp thời xử lý hiệu quả các tình huống tư tưởng phát sinh trong thực tiễn, giải quyết tư tưởng trên từng tình huống, từng mặt công tác...
Thiếu tá Lê Đăng Tuấn, Chính trị viên Tiểu đoàn 1 cho biết: Quản lý tư tưởng cán bộ, chiến sĩ nói chung và quản lý tư tưởng nói riêng là việc làm không hề đơn giản. Nhưng bằng nhiều hình thức, biện pháp cụ thể, chúng tôi chỉ đạo đội ngũ cán bộ khung thường xuyên đánh giá, dự báo được tình hình diễn biến tư tưởng của chiến sĩ từ sớm, từ xa để có hướng giải quyết hợp tình, hợp lý và kịp thời. Cũng chính nhờ những cán bộ tâm huyết, có năng lực, kỹ năng như Thiếu úy Hồ Văn Nanh cùng những đề xuất biện pháp giải quyết phù hợp, phát huy nhân tố tích cực, ngăn chặn kịp thời tư tưởng tiêu cực và hành động sai trái của bộ đội đã giúp đơn vị luôn xây dựng được mối đoàn kết, cán bộ, chiến sĩ luôn đồng lòng thực hiện nhiệm vụ và các phong trào.