Câu chuyện kể này xin nói trước với Quý độc giả là không có đầu,àphêcuốituầnTiềntrongnhàgiữnhưthếnàxiên 2 50k an bao nhiêu cũng chưa có kết, Chuỗm tôi chỉ nghe đến đâu thì xin kể lại đến đó để Quý độc giả cùng TBTCO tham khảo... nhân lúc rảnh rỗi cuối tuần!
Chuyện được hình dung rằng, có một đám ông chồng đang cùng nhau chia sẻ một chủ đề, đại thể là câu chuyện là về tình hình tài chính của gia đình được vợ chồng sắp xếp thế nào? Ai là người kiếm tiền chính? Thủ quỹ của gia đình là ai? Cách nào thì êm đềm? Cách nào thì dễ "dậy sóng"?!...
Bên góc quán cà phê, Chuỗm tôi nghe người thứ nhất nói:
- Người ta có câu “Lấy nhau vì tình, cãi nhau vì tiền” cấm có sai các ông ạ! Tôi nghĩ trong gia đình hiếm có cặp vợ chồng nào không bao giờ cãi nhau hoặc to tiếng, phàn nàn ca cẩm về chuyện tiền nong.
Trong gia đình tôi, tôi vẫn luôn "đề cao" vị thế của người đàn ông, tôi là người kiếm tiền chính và luôn nộp đủ cho vợ, “chồng như cái giỏ, vợ như cái hom” mà! Bà vợ tôi rất khoái cách này vì vừa giữ được tiền lại vừa giữ được chồng qua quản lý hầu bao. Bà vợ nào mà chẳng khoái thế!
- Thế ông không sợ vợ ông lộng hành à? - Một người hỏi - Vì được toàn quyền giữ tiền, bà ấy rất dễ sinh tật “bòn rút”, “tận thu” để com cóp?
- Quả là có như vậy nên dễ dẫn đến cãi nhau. Để đối phó với cái "thông lệ” này mình phải có tý “quỹ đen” chứ! Tôi đố ông nào đưa hết tiền cho vợ? Là đàn ông, mình phải có cách của mình, “chỉ đưa đủ chứ đừng đưa hết”! Kinh nghiệm "sống còn" của tôi là như vậy!
Đến người thứ hai bộc bạch:
- Vợ chồng tôi cũng tương tự như vậy, “chồng kiếm - vợ tiêu”. Tôi đóng vai trò chủ chốt về kinh tế, vợ chuyên lo về nội trợ. Mọi việc chi tiêu trong gia đình tôi đều phó mặc cho bà ấy, còn mình chỉ lo kiếm sao được nhiều tiền. “Càng nhiều càng ... ít”!
Một người cắt ngang:
- Vậy ông không nghĩ đến trường hợp không may công việc hay sức khỏe của ông có vấn đề thì bà vợ của ông sẽ chèo chống thế nào à?
- Đến lúc đó hẵng hay! Ai mà biết trước được ngày mai sẽ ra làm sao!?
Người thứ ba tâm sự:
- Cách đó cũng không hẳn ổn! Theo tôi tiền của ai người nấy giữ như kiểu đi tàu “vé của ai người ấy cầm”. "Độc lập", "tự chủ" là... ngon lành nhất.
Ở gia đình tôi rất ít khi vợ chồng cãi nhau vì mọi chi tiêu đều được phân công rõ ràng. Tiền dư mỗi người có một sổ tiết kiệm riêng. Nói thật nhé, tiền tình sòng phẳng cũng rất tiện lợi nhanh chóng nếu ly hôn xảy ra, không phải chia chác tài sản, không phải tranh chấp làm phiền đến tòa án!
- Tôi thấy cách của ông cũng hay đấy! - Một người gật gù - Nhưng tôi thấy nó thẳng thừng “cưa đứt đục suốt” quá!
Nếu như vậy thì cũng không ổn, bởi nếu vợ chồng mà không có mối dây liên hệ tài chính sẽ làm mọi quan hệ tình cảm trong gia đình sẽ lỏng lẻo, rất dễ “thân ai nấy lo”.
Khi gặp sự biến như có người bị ốm đau, tai nạn rủi ro... thì các thành viên khác do không có thói quen “cởi hầu bao” vì người khác, dẫn đến vô cảm. Khi đó thì thật là tai hại!
Người thứ tư lên tiếng đồng tình: - Tôi cũng nghĩ như thế!
Trong gia đình tôi, tiền của, tài sản đều là của chung. Vợ chồng tôi lấy sự tự giác, trung thực là trên hết. Vợ hay chồng làm được bao nhiêu tiền đều cho vào chiếc két nhỏ ở nhà. Khi cần chi tiêu gì lấy ra phải có cơ số để lại, không được “nhẵn két”! Nhiều năm nay chúng tôi đã làm như thế và tương lai vẫn làm như thế!
Song một ông lại lên tiếng phản bác nhẹ nhàng:
- Ông không nên chủ quan! Mình làm hôm nay phải lo ngày mai. Cách của ông chỉ ưu việt khi gia đình có tiền, kiếm được đồng ra đồng vào. Còn khi gặp khó khăn, tiền vào nhỏ giọt hay cạn kiệt thì sẽ có vấn đề đấy!
Lúc đó dễ xảy ra tiếng bấc tiếng chì, nghi kị lẫn nhau vì “tiền sao không cánh mà bay”. Đó là chưa kể bọn đạo tặc nó biết sẽ rình rập chôm hoặc phá két! “Com cóp cho cọp nó xơi”!
- Thực tế thật muôn hình vạn dạng các ông ạ! - Một ông nói với vẻ khá đĩnh đạc - Nhiều gia đình luôn lùng bùng về chuyện tiền nong.
Tiền bạc rất quan trọng trong cuộc sống, nhưng chỉ nghĩ đến tiền bạc thì sẽ mất ý thức trong đạo vợ chồng và vợ chồng phải chia sẻ với nhau về điều này. Người ta có câu: “Chủ nợ có trí nhớ tốt hơn con nợ”, người làm ra tiền có trí nhớ tốt hơn người tiêu tiền. Muốn biết giá trị của tiền bạc thì hãy hỏi vay nó ở người khác. Do vậy, vợ chồng phải bình đẳng, nếu chỉ “nhớ nhớ”, “quên quên” từ một phía thì không khéo có ngày phải “giải tán” đấy!...
Thật tiếc,Chuỗm tôi cũng chỉ nghe đến đó, bởi nhóm mấy ông chồng cũng đã "điện thoại reeng reeng", rồi từng người, từng người lần lượt... rã đám!
Na Văn Chuỗm