Khó hơn mua vàng! Nhiều doanh nghiệp cho biết đang hoạt động hết công suất để tăng lượng khẩu trang ra thị trường, tuy nhiên do nhu cầu của người dân tăng cao gấp nhiều lần nên vẫn không đủ đáp ứng. Chị Lê Thị Hiền, ngụ tại phường Linh Đông, quận Thủ Đức, TPHCM cho biết, mấy ngày nay chị vô cùng “khốn khổ” khi tìm mua khẩu trang y tế. “Tôi chẳng có ý định mua tích trữ gì nhiều, mua ít dùng hết rồi mua tiếp. Nhưng giờ kiếm mua được chục cái nghe cũng khó. Tối 15/2, đọc thông tin được biết cửa hàng thuộc hệ thống Pharmacity tại đường Võ Văn Ngân, quận Thủ Đức bán khẩu trang y tế đạt chuẩn, giá bình ổn nhưng ra đến nơi thấy lượng người xếp hàng mua khẩu trang dài cả km, chờ cả tiếng đồng hồ không đến lượt tôi đành quay về. Tôi thấy giờ có tiền mua vàng còn được chứ mua khẩu trang thì chịu luôn”, chị Hiền chia sẻ. Tương tự, chị Trần Thị Thu, ngụ tại quận Bình Thạnh cho hay, chị đã đi gần bảy cửa hàng, tiệm thuốc, siêu thị được cho là bình ổn giá như Pharmacity, Long Châu, Siêu thị Coopmart, Bách Hóa Xanh… nhưng đều nhận được những cái lắc đầu của nhân viên vì hết hàng. "Tôi cũng đã đi dọc đường Hai Bà Trưng (quận 1) hỏi tám hiệu thuốc thì hết bốn hiệu dán bảng không có khẩu trang, nước rửa tay, cồn 90 độ; bốn cửa hàng còn lại thì lắc đầu bảo mai mốt quay lại mới có hàng. Sau nhờ bạn bè quen, tôi đành mua mấy cái khẩu trang vải có tính kháng khuẩn về dùng", chị Thu nói. May mắn hơn vì mua được 1 hộp khẩu trang y tế nhưng nay anh Nguyễn Văn Hoàng, ngụ tại quận Tân Bình vẫn chưa hết mệt mỏi vì phải xếp hàng từ 2 giờ sáng. Anh Hoàng chia sẻ: “Biết tin một cửa hàng thuốc tại khu chợ sỉ thuốc tây trên đường Nguyễn Giản Thanh (phường 15, quận 10, TPHCM) mở bán khẩu trang y tế đúng giá vào ngày 16/2, tôi và cậu em trai tới đây xếp hàng từ 2 giờ sáng để chờ phát số. Khi tôi tới đã có hàng ngàn người dân từ nhiều nơi đổ về đây xếp hàng. Đến khoảng 3 giờ sáng hơn 1.000 số đã được phát hết. Không nên lạm dụng khẩu trang y tế Bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Giám đốc Công ty TNHH EBISU Việt Nam cho biết, trong đợt này công ty dù tăng hết công suất nhưng vẫn không đủ khẩu trang y tế để cung cấp cho các đối tác. “Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, người khỏe mạnh, không có các triệu chứng bệnh về đường hô hấp chỉ cần đeo khẩu trang vải khi đến các khu vực tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng. Do đó, người dân không nên đổ xô đi mua khẩu trang y tế, khiến mặt hàng này khan hiếm, giá cả tăng vọt. Thay vào đó, mọi người nếu không tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh nên sử dụng khẩu trang vải kháng khuẩn có thể tái sử dụng, vừa kinh tế vừa không ảnh hưởng tới môi trường”. Theo Sở Công Thương TPHCM, hiện thành phố có 20 doanh nghiệp (DN) sản xuất khẩu trang với năng lực sản xuất là trên 2,5 triệu cái/ngày. Trong đó, cung cấp cho bệnh viện 241.500 cái/ngày, nhà thuốc 364.000 cái/ngày. Lượng cung cấp cho các tỉnh, thành, hệ thống siêu thị, đại lý bán hàng… 1.926.500 cái/ngày. Trước tình hình khan hiếm khẩu trang y tế diễn ra trên địa bàn, Sở Công Thương đã làm việc với Hội Dệt may thêu đan TPHCM về chuẩn bị nguồn khẩu trang vải kháng khuẩn. Qua đó, kết nối Saigon Co.op và các DN sản xuất khẩu trang vải với số lượng lớn. Đến nay, Saigon Co.op đã ký hợp đồng phân phối, cung ứng 1,5 triệu cái khẩu trang vải kháng khuẩn của Tổng công ty X28 (Bộ Quốc phòng) đến ngày 20/2. Nhà bán lẻ này cũng đã ký hợp đồng 5 triệu khẩu trang vải kháng khuẩn với Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), chia làm 2 đợt: đợt 1 đến ngày 29/2, cung cấp 3 triệu cái và đợt 2 trong tháng 3 cung cấp 2 triệu cái. Ngoài ra, Sở Công Thương TPHCM cũng đã giới thiệu Saigon Co.op tiếp tục làm việc với các DN sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn như Thành Phát, Viking, SG2, Anh Khoa... để ký hợp đồng phân phối, bảo đảm cung ứng sản phẩm cho thị trường. Như vậy, tổng số khẩu trang vải cung cấp cho thị trường trong tháng 2 là 4,5 triệu cái, trong tháng 3 là 2 triệu cái. Hiện Sở Công Thương đang tiếp tục làm việc với Hội Dệt may thêu đan TPHCM để kết nối DN có khả năng sản xuất khẩu trang vải cho các DN phân phối như Saigon Co.op, Big C, Satra, MM Mega Market, Lotte Mart, Vinmart… nhằm bảo đảm khả năng cung cấp khẩu trang vải cho thị trường. Liên quan đến hoạt động sản xuất khẩu trang y tế và tình hình khan hiếm nguyên liệu sản xuất mặt hàng này, ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, thời gian tới, Sở Công Thương TPHCM sẽ tiếp tục tổ chức kết nối 3 DN nhập khẩu nguyên liệu sản xuất khẩu trang y tế là Công ty CP Liworldco, Công ty CP Vải không dệt Hoài Đức và Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ giao nhận Xuất nhập khẩu Ánh Minh với 20 DN sản xuất khẩu trang y tế trên địa bàn. Cùng với đó, Sở cũng thường xuyên liên hệ với Bộ Công Thương về nguồn nguyên liệu sản xuất để kịp thời giới thiệu ngay cho các DN nhập khẩu nguyên liệu sản xuất khẩu trang y tế. |