Nâng mức trần dư nợ vay cho TP lên 60%
Trình bày báo cáo của Chính phủ,ĐềxuấtnângtrầnvaynợchothànhphốĐàNẵlich nh anh Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo nghị quyết quy định các nhóm chính sách đặc thù cho TP về quản lý về quy hoạch, huy động vốn đầu tư phát triển, quản lý tài chính ngân sách, hỗ trợ phát triển khởi nghiệp sáng tạo và thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị.
Về điều chỉnh quy hoạch TP, Chính phủ đề xuất phân quyền thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch TP và điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị từ Thủ tướng Chính phủ cho HĐND và UBND TP.
Về huy động vốn, dự thảo quy định TP được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách TP được hưởng theo phân cấp (hiện là 40%). Theo tờ trình, quy định này là để TP có thêm dư địa được vay để đáp ứng nhu cầu vay đầu tư phát triển hơn 6,3 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2025. Việc tăng mức dư nợ vay này được kiểm soát trong giới hạn nợ công cho phép do Quốc hội hàng năm quyết định tổng mức vay và bội chi ngân sách địa phương.
Về tài chính ngân sách, dự thảo quy định "ngân sách trung ương (NSTƯ) bổ sung có mục tiêu cho TP. Đà Nẵng 70% số tăng thu so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao từ các khoản thu phân chia giữa NSTƯ và ngân sách địa phương (sau khi thực hiện thưởng vượt thu theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước)".
Đồng thời, HĐND TP được quyết định ban hành phí, lệ phí mới; tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đối với các loại phí, lệ phí có trong danh mục được cấp thẩm quyền quyết định.
Liên quan đến chính sách thuế, nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, người lao động có trình độ được giảm 50% thuế thu nhập cá nhân phát sinh tại Khu công nghệ thông tin tập trung Khu công nghệ cao Đà Nẵng trong 5 năm kể từ khi bắt đầu làm việc nhưng không quá năm 2025.
Các dự án đầu tư tại thành phố được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) 10% trong 15 năm, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo kể từ khi có thu nhập chịu thuế bao gồm các dự án đầu tư của các DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và dự án đầu tư khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và trung tâm nghiên cứu và phát triển.
Đề xuất mô hình một cấp chính quyền đô thị cho Đà Nẵng
Đặc biệt, dự thảo đề xuất cho TP được thí điểm tổ chức chính quyền đô thị theo hướng xây dựng mô hình tổ chức một cấp chính quyền địa phương (ở cấp thành phố) và 2 cấp hành chính (ở quận, phường). Theo mô hình này thì chính quyền TP được tổ chức thành một cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND.
Cấp quận và phường không tổ chức HĐND mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính là UBND quận và UBND phường. Do không tổ chức HĐND ở quận, phường nên một số nhiệm vụ của HĐND quận và phường được chuyển lên cho HĐND thành phố; một số nhiệm vụ của HĐND phường được chuyển lên cho UBND quận.
Với mô hình này thì chỉ tổ chức một cấp ngân sách thành phố, theo đó quận và phường chỉ là một đơn vị dự toán ngân sách của thành phố thay vì 3 cấp ngân sách thành phố, quận, phường như trước đây.
Qua thẩm tra, Uỷ ban Tài chính ngân sách (UBTCNS) cơ bản đồng tình với phần lớn các đề xuất. Tuy nhiên, về các nội dung giảm 50% thuế thu nhập cá nhân và ưu đãi thuế TNDN 10%, đa số ý kiến trong UBTCNS đề xuất bỏ vì cho rằng, chính sách thuế cần thực hiện thống nhất theo quy định của luật về thuế. Việc quy định riêng cho TP chưa đảm bảo công bằng với các địa phương trong cả nước, đặc biệt là đối với các địa phương lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội. Ngoài ra, còn tác động đến mặt bằng chung giữa các đối tượng nộp thuế trong cả nước.
Thảo luận tại UBTVQH, các thành viên cơ bản đồng tình với nhiều cơ chế đặc thù cho TP như nâng mức dư nợ vay, tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí… và đồng ý không đặt ra các vấn đề về thuế tại nghị quyết này.
Bên cạnh đó, do dự thảo nghị quyết quy định một số cơ chế đặc thù cho TP có thể tác động, thay đổi lớn về công tác quy hoạch, ngân sách nhà nước, tổ chức chính quyền các cấp… nên Chủ nhiệm UBTCNS Nguyễn Đức Hải đề nghị cần phải thận trọng, có đánh giá, tổng kết trước khi ban hành chính sách dài hạn.
Ngoài ra, để bảo đảm tính đồng bộ và rút kinh nghiệm về sự phù hợp của các cơ chế đặc thù đã được ban hành của một số địa phương trên cả nước, ông Hải đề nghị chỉ ban hành nghị quyết của Quốc hội để thực hiện thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù và thời gian thực hiện là 5 năm, bắt đầu từ năm 2021.
Về nội dung liên quan đến phí và lệ phí, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ lưỡng lại để đảm bảo không chênh lệch với mặt bằng chung của cả nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng nhấn mạnh, Đà Nẵng có vị trí đặc biệt quan trọng trong quốc phòng, an ninh; có giá trị chiến lược ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên nước ta. Do vậy, đề nghị Chính phủ đánh giá, bổ sung thêm nội dung về những thuận lợi, khó khăn về quốc phòng, an ninh, cũng như trật tự an toàn xã hội khi triển khai những cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP. Đà Nẵng như đề xuất của Chính phủ./.
H.Y