* PV:Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực(RCEP) vừa được ký kết vào ngày 15/11/2020 sau 8 năm đàm phán. Xin bà cho biết,ộTàichínhlênkếhoạchthựcthicáccamkếvòng loại cúp c2 các cam kết về thuế, hải quan, dịch vụ tài chính tại hiệp định này có điều gì nổi bật so với các hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực mà Việt Nam là thành viên?
- Bà Hoàng Diệu Linh:Trước khi bước vào đàm phán RCEP, giữa khối ASEAN và các nước đối tác đã hình thành các FTA tương ứng (FTA ASEAN+). Vì vậy, mục tiêu của Hiệp định RCEP tập trung nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực với phạm vi cam kết ở nhiều lĩnh vực như mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hải quan, hài hòa các quy tắc xuất xứ hiện có trong khi thiết lập các quy tắc mới phù hợp hơn, tạo thuận lợi thương mại cho hàng hóa lưu chuyển trong khối, tạo không gian kết nối chung sản xuất trong khu vực ASEAN và kết nối giữa ASEAN với các đối tác.
Bà Hoàng Diệu Linh |
Đối với lĩnh vực thuế quan, các bên tham gia hiệp định không cam kết trong lĩnh vực thuế xuất khẩu mà chỉ đưa ra các cam kết đối với thuế nhập khẩu. RCEP ghi nhận sự tham gia đa dạng của các nền kinh tế với trình độ phát triển khác nhau, thể hiện sự linh hoạt phù hợp về mức độ cam kết đối với các nước chậm phát triển cũng như đang phát triển. Trong quá trình đàm phán, các bên tham gia đã có những tiếp cận mang tính linh hoạt để thúc đẩy quá trình đàm phán, thống nhất các nội dung về thuế nhập khẩu. Trong quá trình đàm phán, Bộ Tài chính đã tổng hợp ý kiến các bộ, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề khi xây dựng phương án cam kết.
Các bên RCEP cam kết đối với toàn bộ biểu thuế, bao gồm các danh mục xóa bỏ thuế nhập khẩu, cắt giảm thuế và loại trừ đối với phạm vi nhỏ dòng thuế. Các nước đối tác cam kết tỷ lệ tự do hóa cho các nước ASEAN cũng như các nước ASEAN cam kết cho nhau vào khoảng 90 - 92%, trong khi tỷ lệ tự do hóa một số nước đối tác dành cho nhau và một số nước ASEAN dành cho nước đối tác ở mức thấp hơn (83 - 89%). Sự khác biệt này phản ánh trình độ phát triển khác nhau giữa các nền kinh tế RCEP cũng như mối quan hệ thương mại đan xen trong khu vực.
Đối với hải quan và tạo thuận lợi thương mại, các cam kết nội dung này của Việt Nam được đàm phán trên cơ sở nội dung của các Hiệp định thương mại tự do ASEAN+ và Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới (TFA) có tính đến sự khác biệt của các nước. Do vậy, theo mặt bằng chung, các cam kết liên quan đến hải quan thuộc hiệp định này mang tính toàn diện hơn so với các FTA mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là các FTA ASEAN+1.
Đối với dịch vụ tài chính, cam kết của Việt Nam tương đương với cam kết tại Hiệp định GATS/WTO, có bổ sung một số quy định mới trong lĩnh vực dịch vụ tài chính như nghĩa vụ về minh bạch hóa các quy định tài chính và cung cấp các dịch vụ tài chính mới.
* PV:Từ góc độ tài chính, RCEP sẽ mang lại những tác động thế nào tới thu ngân sách trong trung và dài hạn, thưa bà?
- Bà Hoàng Diệu Linh:Tác động đến thu ngân sách nhà nước liên quan đến trực tiếp khả năng tận dụng ưu đãi của hiệp định, hay nói cách khác là việc hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước thành viên RCEP cần phải đáp ứng đầy đủ các quy định về xuất xứ hàng hóa theo quy định của hiệp định thì mới được hưởng ưu đãi thuế.
Với việc triển khai các cam kết mở cửa thị trường hiện nay cùng với quá trình tự do hóa thuế quan được thực thi trong nhiều năm qua, thì việc thực thi cam kết về thuế nhập khẩu của Việt Nam trong RCEP không tạo nhiều sức ép về giảm thuế cũng như thu ngân sách. Trên thực tế, việc đánh giá thực thi cam kết bao gồm đánh giá về thu ngân sách yêu cầu cần có thêm thời gian khi các nước thành viên triển khai thực hiện cam kết trong thời gian nhất định sau khi hiệp định có hiệu lực.
* PV:RCEP sẽ có hiệu lực trong thời gian tới, với tư cách là đơn vị chủ trì các nội dung cam kết về thuế, hải quan, dịch vụ tài chính trong các FTA, xin bà cho biết, Bộ Tài chính đã có công tác chuẩn bị như thế nào cho việc thực thi các nội dung cam kết nói trên trong Hiệp định RCEP?
- Bà Hoàng Diệu Linh:Sau ký kết, các nước sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết trong nước để phê duyệt hiệp định. Theo quy định, Hiệp định RCEP sẽ có hiệu lực sau 60 ngày sau khi có ít nhất 6 nước ASEAN và 3 nước đối tác thông báo phê duyệt hiệp định. Về phía trong nước, Bộ Công thương là cơ quan chủ trì quy trình này. Liên quan đến thực thi cam kết thuế nhập khẩu, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ ban hành nghị định về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực thi các cam kết của Việt Nam, Bộ Công thương sẽ ban hành thông tư quy định về quy tắc xuất xứ của hiệp định.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ xây dựng kế hoạch triển khai các cam kết trong lĩnh vực hải quan thuộc hiệp định, dự kiến các công việc cụ thể gồm: tuyên truyền, phổ biết các nội dung cam kết cho các đối tượng có liên quan bao gồm các cơ quan quản lý cấp trung ương, cơ quan thực thi tại địa phương, cộng đồng doanh nghiệp; tập huấn cho các cán bộ tại các đơn vị nghiệp vụ, cán bộ thực thi tại cửa khẩu về các cam kết cụ thể để đảm bảo việc thực hiện đúng, đầy đủ nội dung cam kết; rà soát, hoàn thiện văn bản pháp luật và xây dựng các hướng dẫn có liên quan để thực thi các cam kết cụ thể theo hiệp định.
Thời gian tới, cùng với việc chủ động xây dựng kế hoạch triển khai các nội dung thuộc lĩnh vực phụ trách, Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương và Bộ Ngoại giao để đảm bảo các cam kết đi vào thực thi một cách kịp thời...
* PV:Xin cảm ơn bà!
Lộ trình cam kết xóa bỏ thuế quan của Việt Nam Theo lộ trình cam kết trong RCEP, tỷ lệ xóa bỏ thuế quan Việt Nam dành cho ASEAN ở mức 90,3%, Úc và New Zealand 89,6%, Nhật Bản và Hàn Quốc 86,7%, Trung Quốc là 85,6%. Cam kết của Việt Nam với ASEAN và các đối tác được thể hiện tại các biểu tương ứng. Nhìn chung, Việt Nam không chịu nhiều áp lực về mức độ mở cửa thị trường hàng hóa khi thực thi Hiệp định RCEP. Với việc triển khai các cam kết mở cửa thị trường hiện nay cùng với quá trình tự do hóa thuế quan được thực thi trong nhiều năm qua, thì việc thực thi cam kết trong khuôn khổ RCEP sẽ không tạo sức ép về giảm thuế nhập khẩu và gia tăng cạnh tranh đối với các ngành sản xuất kinh doanh trong nước. |
Luyện Vũ (thực hiện)