Rừng keo lai thâm canh của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ đang phát triển tốt, hứa hẹn mùa bội thu.Xứ rừng U Minh Hạ nhiều năm nay vẫn luôn được tiếng là vùng đất nghèo của Cà Mau. Nhận định trên đến nay đã không còn đúng, khi vài năm trở lại đây, kinh tế người dân khấm khá trông thấy, xứ rừng tràm đã như khoác trên mình tấm áo mới. Vùng đất U Minh Hạ nổi tiếng giàu sản vật, đất đai thẳng cánh cò bay, người dân mỗi hộ trong tay năm ba héc-ta đất là ít. Tuy vậy, sản vật lại không mang nhiều giá trị, trong khi cây kinh tế của bà con là cây tràm, một năm chẳng sinh lợi bao nhiêu nên cái nghèo cứ đeo bám mãi. Cú hích kinh tế địa phương bắt đầu khi cây keo lai được phép trồng tại đây. Với nhiều ưu điểm, loài cây này như vực dậy tiềm năng kinh tế của cả vùng đất rừng. Cú hích keo lai Năm 2009, tỉnh Cà Mau được Bộ NN&PTNT cho phép bổ sung thêm cây keo lai trồng trong vùng rừng sản xuất lâm phần rừng tràm. Ngay sau đó, một số đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn đã thuê đất cùng một số hộ gia đình trên lâm phần đi đầu trồng keo lai, nhằm rút ngắn chu kỳ thu hoạch và tăng hiệu quả kinh tế.
Đến nay, miệt rừng tràm U Minh Hạ đã có hàng ngàn héc-ta keo lai, giá trị mỗi héc-ta mang lại cao gấp nhiều lần và lấn át hẳn cây tràm. Theo tính toán của người địa phương, keo lai trồng chỉ bốn đến năm năm cho thu hoạch, mỗi héc-ta cho sản lượng khoảng 200-250 m3 gỗ (khoảng 800 kg/m3). Giá bán 1.000 đồng/kg, kèm theo phụ phẩm (cành, nhánh bán 500 đồng/kg) bình quân mỗi héc-ta cho tổng thu khoảng 200 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí đầu tư kê liếp khoảng 30 triệu đồng/ha, trừ tiền cây giống, chăm sóc… bình quân còn lời hơn 100 triệu đồng. Anh Phan Văn Đằng, ngụ xã Nguyễn Phích, kể rằng, trước đây gia đình trồng keo lai quanh vườn nhà, đã nhận thấy được giá trị kinh tế của loại cây này. Đến năm 2010, khi nghe có chủ trương cho triển khai, gia đình anh đã thu hoạch nhanh hơn hai héc-ta rừng tràm truyền thống, đưa cơ giới vào lên liếp trồng keo lai. Gia đình anh Đằng là một trong những hộ dân đi đầu trồng keo lai thâm canh tại địa phương. Sau năm năm, gia đình vừa thu hoạch hơn hai héc-ta, ước có nguồn thu gần nửa tỷ đồng, sau khi trừ chi khí ước lợi nhuận còn không dưới 300 triệu đồng. Còn anh Nguyễn Thành Công, là một người con của vùng đất đầm Thị Tường, sau khi lập gia đình, anh từ bỏ mảnh đất quê hương chuyển qua miệt rừng U Minh Hạ, nhận giao khoán đất tìm kế sinh nhai. Anh Công nhớ lại, chín năm trước anh về xã Nguyễn Phích nhận 6,5 ha đất trồng rừng tràm, ăn chia với đơn vị chủ quản. Hồi đó, cây tràm giá trị rất thấp, mỗi héc-ta cho thu được khoảng 30 triệu thôi. Còn phải ăn chia với người ta, tính ra, sau thu hoạch người dân cầm trong tay không đến 50% giá trị sản phẩm mình làm ra, mà mất đến gần 10 năm. Đùng một cái, cây keo lai được phép bén rễ đất U Minh, số phận của những người nghèo như được đổi vận. Anh Công tâm sự: "Cũng muốn làm lắm, nhưng đâu có nhiều vốn đầu tư, tôi chỉ mua giống về trồng trên bờ bao, với diện tích chưa được một héc-ta. Vậy mà keo lai cho thu nhập hơn ba héc-ta rừng tràm truyền thống, so với rừng tràm thâm canh tôi đang trồng, giá trị kinh tế cây keo lai vẫn cao gấp hai lần. Về miệt rừng U Minh Hạ thời gian này, đâu đâu cũng nghe người dân nói về giá trị cây keo lai, và mang nó ra so sánh với cây tràm truyền thống. Đánh giá cây keo lai, ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ, cho biết, cây keo lai thuộc họ đậu, được lai từ keo tai tượng và keo lá tràm. Loại cây này phát triển nhanh, bộ rễ có nhiều nốt sần cố định đạm, tác dụng cải tạo, bảo vệ độ phì cho đất. Keo lai trồng rất nhanh cho thu hoạch, chỉ sau khoảng năm năm, người dân bán giá cây đứng một héc-ta đã thu từ 180-200 triệu đồng. Từ hiệu quả kinh tế thiết thực của keo lai nên gần đây diện tích không ngừng tăng. Theo chia sẻ của Trưởng ấp 15, xã Nguyễn Phích, thì khoảng hai năm nay, diện tích keo lai tăng rất mạnh. Đặc biệt, diện tích keo của địa phương đang biến đổi từng ngày, ước tính riêng ấp 15, diện tích trồng keo thâm canh đã hơn 50 ha, chủ yếu trong độ tuổi từ hai trở lại. Thống kê chưa đầy đủ, năm 2014, diện tích keo lai của Cà Mau khoảng 4.000 ha, nay đã tăng lên khoảng 6.600 ha. Ông Lê Văn Sử, Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau, cho biết, keo lai đã tạo nên đột phá trong cơ cấu sản xuất lâm nghiệp của tỉnh. Loại cây này không chỉ rút ngắn chu kỳ kinh doanh, trồng rừng, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao mà còn góp phần cân bằng, làm phong phú thêm nguồn tài nguyên rừng U Minh Hạ. Thời gian tới, Cà Mau sẽ phát triển trồng keo lai ở những vùng thích hợp trên lâm phần rừng tràm gắn với chế biến lâm sản xuất khẩu, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho bà con địa phương. Cần trợ lực Ít người biết rằng, con đường phẳng mà cây keo lai đang đi, trước kia đã một phen phải lao đao, dự án trồng keo lai ở Cà Mau có thời điểm bị "phá sản". Trước năm 2009, tỉnh Cà Mau đã có dự án phát triển rừng keo trong vùng đất giàu phèn này, nhưng đã bị dư luận "đánh cho tơi bời", nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học đã lên tiếng chỉ trích cho rằng cây keo lai không phù hợp, nếu phát triển sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng tràm truyền thống. Đến khi đã được Bộ NN&PTNT cho phép rồi, vẫn còn một số ý kiến trái chiều. Qua thời gian, thành kiến với cây keo lai nay đã không còn. Thực tế tại Công ty TNHH MTV lâm nghiệp U Minh Hạ và một số hộ dân đi đầu đã chứng minh, trồng keo lai lợi nhuận gấp khoảng bốn lần tràm quảng canh, hơn hai lần tràm thâm canh. Cây keo lai đang là định hướng thoát nghèo của miệt rừng U Minh hạ, giúp cư dân nhận đất trồng rừng và giữ rừng sống được với rừng, có cuộc sống ổn định hơn.
Hiện tại ở địa phương, tuy số lượng keo lai đã tăng mạnh, nhưng chủ yếu mới trồng, chưa đến chu kỳ khai thác. Trong khi, thương lái các tỉnh đổ xô xuống thu mua, dẫn đến cung không đủ cầu. Tâm trạng người dân kẻ vui mừng vì đùng một cái đã thành triệu phú, nhiều hộ không khỏi tiếc rẻ vì chưa tới lượt mình. Một bộ phận lại đắng miệng, do không có vốn liếng đầu tư để đổi đời như bao người. Về các xã Nguyễn Phích, Khánh Thuận, Khánh An… ghi nhận nỗi lòng người dân mà chúng tôi không khỏi xót xa. Tỏ lòng mình, anh Trần Đình Chí, xã Khánh An, thổ lộ: "Thấy bà con đầu tư trồng keo lai, lợi nhuận rất cao, tôi cũng muốn chuyển khoảng 2/5 ha của gia đình trồng thử. Nhưng vốn đầu tư cao quá, không có tiền làm". Ông Nguyễn Văn Liêu, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích, cho biết, giá trị của cây keo lai đã được khẳng định, đây là loại cây rất dễ trồng, bà con ai ai cũng muốn trồng keo. Địa phương cũng khuyến khích trồng để thay đổi diện mạo kinh tế địa phương nhưng khổ nỗi không có vốn. Trong khi, theo tính toán của ông Liêu, để đầu tư trồng mỗi héc-ta keo lai mất khoảng 35-40 triệu đồng. Trong đó, tiền kê liếp đã chiếm hơn phân nửa, còn lại là tiền giống cùng công trồng. Trong khi đó, một số hộ dân đã đầu tư trồng thì lại lo lắng, không biết đến khi thu hoạch giá có còn được như hiện nay, hay lại rơi vào cảnh “được mùa mất giá” như bao nông sản khác. “Gia đình tôi trồng 10 ha keo lai đã được hai năm nay, hiện keo phát triển rất tốt, dự tính đến năm thứ tư đã có thể thu hoạch. Điều chúng sợ nhất bây giờ là phát triển mạnh, đến lúc đó giá lại giảm. Nhiều quá, đôi khi lại không bán được như cây mía mấy năm nay chẳng hạn”, ông Trương Trọng Nghĩa (ngụ xã Nguyến Phích) băn khoăn nói./. Bài và ảnh: Trần Hiếu |