(CMO) Đợt nắng nóng đầu tiên đã xuất hiện sớm và khắc nghiệt hơn trước thời điểm giao mùa. Đây là thời điểm dễ phát sinh nhiều dịch bệnh, kèm theo đó là nỗi lo về an toàn vệ sinh thực phẩm. Toàn tỉnh đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Qua đó, chủ động phòng, chống dịch bệnh lây lan qua đường ăn uống.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Cà Mau Trần Bé Ngoan cho biết, tiết trời nóng ẩm là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi-rút phát triển mạnh và là nguyên nhân chủ yếu gây ngộ độc thức ăn (do vi sinh vật, hoá chất, thực phẩm chứa độc tố tự nhiên chưa được kiểm soát). Vì vậy, trong mùa hè, nguy cơ ngộ độc cao nhất là từ thức ăn có nguồn gốc động vật và các loại thực phẩm có nhiều dầu, đạm như: cá, thịt, hải sản, sữa... nếu không được chế biến kỹ, nấu xong không ăn ngay hoặc sau khi ăn bảo quản không cẩn thận.
Người dân cần cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn thực phẩm trong mùa nóng.
Từ sau Tết đến nay, nhiệt độ tăng nhanh, nhất là nhiều ngày gần đây nắng nóng kéo dài khiến cho thực phẩm dễ bị biến chất dẫn đến nguy cơ mất an toàn, ảnh hưởng sức khoẻ người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, các nhóm gia đình tổ chức đi tham quan không nên chuẩn bị nhiều thức ăn nhanh mà không sử dụng hết, kéo dài thời gian giữ thực phẩm trong môi trường nắng nóng sẽ rất nguy hiểm khi sử dụng. Còn đối với thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể tại trường học, nhà máy, xí nghiệp, người chế biến thực phẩm nên rút ngắn thời gian chuẩn bị và phục vụ bữa ăn, bảo quản thức ăn kỹ lưỡng, tránh sử dụng các loại thực phẩm lên men như dưa chua, thực phẩm không tươi sống, không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu.
Chị Trần Thị Nil, Phường 9, TP Cà Mau, chia sẻ, trong những ngày nắng nóng, chị luôn chú ý đến chế độ ăn và chất lượng bữa ăn cho cả gia đình. Thực phẩm được mua khi còn tươi, nhất là đối với các loại thịt, cá do thời tiết nóng làm chúng nhanh bị tái, hư hơn bình thường. Với các loại rau, củ, quả, chị rửa kỹ bằng nước sạch hoặc nước muối loãng, chú ý khâu vệ sinh tay và dụng cụ ăn uống trong quá trình chế biến thực phẩm. Đối với tủ lạnh, chị phân loại thực phẩm để có cách bảo quản hợp lý, đồ ăn chín được cho vào các hộp đậy nắp để không bị nhiễm vi khuẩn từ các loại đồ ăn tươi sống khác.
Theo Bác sĩ chuyên khoa II Trần Quang Khoá, Trưởng Phòng Nghiệp vụ y khoa, Sở Y tế, trong mùa nắng nóng, Sở Y tế luôn chủ động kiểm tra và đôn đốc các bệnh viện tuyến huyện, trạm y tế xã chủ động nắm bắt tình hình sức khoẻ nhân dân. Các trạm tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khoẻ, người dân nắm rõ các biện pháp phòng bệnh theo mùa, giữ gìn vệ sinh thực phẩm thông qua nhiều hình thức khác nhau như qua tranh, ảnh ở trạm y tế, nhà văn hoá xã, qua tuyên truyền của các cộng tác viên y tế xã. Từ đó, giúp người dân biết cách bảo vệ sức khoẻ cho bản thân, gia đình và cộng đồng nơi sinh sống. Đồng thời, khuyến cáo mọi người khi có dấu hiệu nghi ngộ độc thực phẩm cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.
Tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), thời gian tới, ngành y tế tỉnh tiếp tục phối hợp với đơn vị triển khai thực hiện các văn bản về đảm bảo ATVSTP theo quy định, tuyên truyền thực hiện đúng các khuyến cáo về nguyên tắc lựa chọn và chế biến thực phẩm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc đảm bảo ATVSTP, chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm…
Để đảm bảo ATVSTP, phòng chống ngộ độc, mỗi người cần nắm được những kiến thức cơ bản về giữ gìn vệ sinh cũng như cách bảo quản thực phẩm, như vậy mới có thể đảm bảo sức khoẻ, yên tâm học tập, lao động và công tác./.