Đây là một chủ đề được thảo luận sôi nổi tại hội thảo: "Lạm phát, lãi suất và chứng khoán", do Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) và Công ty Cổ phần Chứng khoán Nhất Việt (VFS) tổ chức với sự tham gia của nhiều chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp và các lãnh đạo bộ ngành. Tăng trưởng 7% năm nay là khả thiTại hội thảo, Chủ tịch VFCA Lê Long Giang cho biết, kinh tế thế giới trong 6 tháng đầu năm 2022 đang đối mặt với nhiều thách thức, chủ yếu do khủng hoảng tại Ukraine, bất định gia tăng với các lệnh trừng phạt, chuỗi cung ứng tiếp tục bị đứt gãy… Nhưng có lẽ, vấn đề nóng nhất hiện nay là lạm phát. Lạm phát đang tăng cao kỷ lục khắp các nền kinh tế thế giới vượt ngoài tầm kiểm soát và suy thoái kinh tế đang cận kề. Tại Việt Nam, CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 2,44% chủ yếu là do giá cả (xăng dầu, khí đốt, nguyên vật liệu, logistics và nhu cầu du lịch, ăn uống, đi lại … ) đều tăng, đây là thành công trong kiểm soát lạm phát của Việt Nam trước bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát gia tăng ở hầu khắp các quốc gia.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đánh giá, sự phục hồi kinh tế của Việt Nam có độ trễ so với thế giới. Năm nay, trong khi thế giới chậm lại thì Việt Nam đã phục hồi mạnh, dự báo tăng trưởng 7% là khả thi. Mặc dù vậy, việc dự báo hiện tại là khó vì lạm phát đang bùng lên, nhiều quốc gia phải tăng lãi suất. Thông tin từ Ngân hàng Thế giới (WB) tính toán lạm phát hiện đã ở vùng đỉnh, nếu lạm phát đã đạt đỉnh thì chúng ta sẽ có kịch bản theo chiều hướng tích cực hơn, nhưng tất nhiên không thể chủ quan, ông Cấn Văn Lực chia sẻ.
Trong cơn bão lạm phát, trên thế giới đang diễn ra cuộc đua tăng lãi suất, hầu hết các quốc gia đã tăng lãi suất, trừ Trung Quốc. Đã có tới 80 lượt tăng lãi suất trên toàn cầu trong 6 tháng đầu năm 2022. Lộ trình tăng lãi suất của Mỹ dự kiến sẽ tăng gấp đôi hiện nay. Với Việt Nam, áp lực lạm phát từ giờ tới cuối năm khá lớn. Giá hàng hoá thế giới còn tăng và còn có nguy cơ nhập khẩu lạm phát, nhất là khi Việt Nam phụ thuộc nhiều vào đầu vào nhập khẩu. Theo TS. Cấn Văn Lực, lãi suất cho vay đang chịu áp lực tăng. Nếu chúng ta để lãi suất cho vay tăng thì người dân và doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, đi ngược với chương trình phục hồi. Còn lãi suất cho vay bằng USD chắc chắn tăng theo đà tăng của thế giới. “Tôi lo rằng bây giờ tăng lãi suất sẽ khiến kinh tế suy thoái nếu tăng nhanh quá mà chưa chắc cứu được lạm phát, vì lạm phát là do đứt gãy chuỗi cung ứng. Tốc độ tăng lãi suất chưa chắc là đã thuốc đặc trị mà còn gây phản ứng phụ”, vị chuyên gia này nhận xét. Lạm phát do chi phí đẩy, chính sách tiền tệ ít tác dụngĐây cũng là quan điểm được một số chuyên gia đồng tình trong phần thảo luận sau đó xoay quanh chủ đề vì sao các ngân hàng trung ương trên thế giới đã tăng lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn chưa tăng.
Về vấn đề này, từ quan sát nền kinh tế Việt Nam hiện tại, TS. Võ Trí Thành cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, chính sách tiền tệ không giải quyết được vấn đề lạm phát một cách hoàn hảo. Muốn xử lý tốt vấn đề lạm phát Việt Nam cũng như nhiều nước cần kết hợp các chính sách. Theo TS. Võ Trí Thành, có vấn đề liên quan đến việc tăng lãi suất. Thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam có nhiều điểm khác với kinh tế thế giới. Ví dụ, trong 6 tháng đầu năm 2020 Việt Nam nổi lên như một ngôi sao bởi duy trì được tăng trưởng dương. Thế nhưng, trong 6 tháng cuối năm 2021 thì ngược lại, khi kinh tế thế giới phục hồi tốt thì chúng ta lại lạc nhịp. 6 tháng đầu năm nay thế giới xấu đi nhưng Việt Nam lại phục hồi rất tốt. Chính những điểm khác biệt này khiến chúng ta không thể điều hành lãi suất như thế giới. Thứ hai, trong chiến lược phát triển và phục hồi kinh tế, chúng ta đặt trọng tâm vào vấn đề lãi suất và tiền tệ, nên các điều hành liên quan đến vấn đề này vô cùng quan trọng, đòi hỏi chúng ta buộc phải thận trọng. Thứ ba, mức độ mức giá của đồng Việt Nam hiện nay không quá lớn nên cần giữ ổn định tỷ giá của đồng Việt Nam. Ngoài ra, hiện nay cán cân thanh toán quốc tế tương đối ổn định, thặng dư không quá nhiều nên việc tăng lãi suất cũng chưa phải là vấn đề cần thiết. Còn theo TS. Lê Xuân Nghĩa, hiện nay lạm phát của Việt Nam là lạm phát do chi phí đẩy, nên vai trò của ngân hàng là nhỏ. Lạm phát này khiến chính sách lãi suất trở nên bất lực nên việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất như ngân hàng trung ương trên thế giới là điều chưa cần thiết. “Tạm thời trong quý 3 chưa nên đụng đến chính sách tiền tệ. Lãi suất mà tăng là chứng khoán gay go. Nên tôi tán thành việc duy trì tính thận trọng của chính sách tiền tệ, đảm bảo sự ổn định cho thị trường chứng khoán”, TS Lê Xuân Nghĩa nêu quan điểm.
|