Tiếp nhận một bệnh nhân cũ quay lại thăm khám,ácsĩđiềudưỡngrảnhtaynhờcôngnghệkq bochum bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng Khoa Ung thư, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) nhíu mày kiểm tra thông tin trên máy tính cá nhân.
Khoảng 1 phút sau, các dữ liệu cần biết đã hiển thị, bao gồm kết quả chụp cắt lớp, cộng hưởng của người bệnh từ 2 năm trước. Nhờ đó, bác sĩ Vũ nhận định, tình trạng bệnh đang có diễn tiến khả quan.
“Để đánh giá được diễn tiến của người bệnh, nếu như vài năm trước, tôi phải mất rất nhiều thời gian, công sức xuống kho để tìm lại hồ sơ bệnh án giấy. Giờ thì tiện hơn rất nhiều”, bác sĩ Vũ chia sẻ.
Tương tự, nữ điều dưỡng tại Bệnh viện Thành phố Thủ Đức chỉ tốn khoảng 30 giây để kiểm tra dịch truyền cho một bệnh nhân ung thư vú. Liều lượng, tên thuốc, ngày giờ truyền đều hiện lên trên màn hình máy tính, không còn phải giở từng trang hồ sơ rồi dò tìm loại thuốc đã truyền như trước kia.
Theo bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, kể từ khi áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử, bác sĩ và điều dưỡng đều tiết kiệm 30 - 40% công sức. “Nếu lưu trữ bằng hồ sơ giấy, khối lượng giấy tờ sẽ vô cùng lớn, phải tìm kiếm khá vất vả. Với hồ sơ bệnh án điện tử kết nối truyền dữ liệu qua mạng Internet, kể cả khi ở nhà, tôi vẫn có thể theo dõi kết quả chụp chiếu của bệnh nhân”, ông Vũ nói.
Bệnh viện Thành phố Thủ Đức là bệnh viện đầu tiên trên cả nước ứng dụng hồ sơ bệnh án điện tử.
Bác sĩ Vũ Trí Thanh, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện Thành phố Thủ Đức cho biết, bệnh viện đã số hóa toàn bộ hồ sơ bệnh án giấy từ năm 2015 trở về trước. Đồng thời, tích hợp vào phần mềm trên 6.000 hồ sơ giấy đã được scan bằng máy chuyên dụng.
“Việc lưu trữ điện tử đảm bảo lâu dài, an toàn, tiết kiệm diện tích kho tài liệu giấy, phục vụ công tác thống kê, báo cáo, nghiên cứu khoa học, dự báo rất hiệu quả”, bác sĩ Thanh nhận định.
Kết quả khảo sát nhanh ý kiến các bác sĩ và điều dưỡng tại Bệnh viện Thành phố Thủ Đức cho thấy, thời gian làm hồ sơ bệnh án điện tử giảm 12 phút so với việc làm bệnh án giấy. Bên cạnh đó, 88% người được khảo sát ủng hộ việc sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử.
Y tế thông minh đang thông suốt
Bệnh viện Nhi đồng 1 là một trong những cơ sở y tế đầu tiên ở Thành phố Hồ Chí Minh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh. Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận từ 5.000 - 6.000 lượt ngoại trú. Bệnh nhân nội trú khoảng 1.500 ca.
Trước áp lực đó, việc vận hành bệnh viện vẫn đạt hiệu quả, chất lượng nhờ triển khai nhiều ứng dụng công nghệ.
Tiến sĩ - Bác sĩ Ngô Ngọc Quang Minh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 lấy ví dụ, phần mềm giám sát kê đơn thuốc đã hỗ trợ rất tốt cho các bác sĩ khoảng 10 năm qua. Phần mềm sẽ nhắc nhở về các yếu tố chống chỉ định, tương tác thuốc… trong một đơn thuốc, qua đó giúp đảm bảo có những đơn thuốc phù hợp, hiệu quả.
Ngoài ra, trước đây, một số thuốc muốn sử dụng phải thông qua quá trình phê duyệt, trình ký hàng loạt giấy tờ. Hiện nay, điều dưỡng có thể nhập thông tin thuốc và thông tin bác sĩ vào phần mềm để phê duyệt nhanh chóng, tiết kiệm thời gian cho cả nhân viên y tế và người bệnh.
Tương tự, Bệnh viện Nhân dân 115 cũng là một điểm sáng trong ứng dụng số vào công tác khám chữa bệnh. Nhờ kết nối và truyền dữ liệu thông suốt, hình ảnh chụp cộng hưởng từ của bệnh nhân đột quỵ cấp cứu được chuyển thẳng đến thiết bị di động của bác sĩ. Các chuyên gia có thể đánh giá tình hình để tư vấn can thiệp giúp cứu sống người đột quỵ trong “thời gian vàng”.
Những hoạt động y tế thông minh nói trên đều hướng đến mục tiêu cao nhất là tạo thuận lợi và nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh. Cùng với đó, một hiệu quả không thể phủ nhận là nhân viên y tế cũng được “rảnh tay”, bớt gánh nặng đáng kể về các thủ tục hành chính, giấy tờ, có thêm thời gian để chăm sóc người bệnh và làm công tác chuyên môn.
Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng xác định, triển khai hiệu quả Đề án Y tế thông minh là một trong những hoạt động trọng tâm của ngành y tế thời gian tới.
Trong đó, mục tiêu nổi bật là tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho mỗi người dân, ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, quản lý dịch bệnh bằng nền tảng số, hệ thống điều hành cấp cứu thông minh...
Giao Linh
Trong năm 2022, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện khảo sát 4 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế (gồm: Hùng Vương, Nhi đồng 1, Nhân dân 115, Trưng Vương) về việc thực hiện Đề án Y tế thông minh giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn 2030. Đề án này do Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành. Mục tiêu chung là triển khai hiệu quả hoạt động chuyển đổi số hướng đến xây dựng dữ liệu lớn của ngành y tế, giúp dự báo và xây dựng chiến lược y tế, góp phần nâng cao chất lượng quản lý và chăm sóc sức khỏe của người dân.
(Bài đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số Xuân Quý Mão 2023)