Theo đó, đứng ở góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Quynh, CEO Hãng luật Hưng Yên, Thành viên Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, nếu Asanzo có đội ngũ pháp lý tốt thì sẽ không xảy ra câu chuyện như những ngày qua. Cụ thể, điện thoại Iphone của Apple hầu như không sản xuất ở Mỹ nhưng vẫn được coi là hàng Mỹ. Trong khi đó, sản phẩm của Asanzo có tới 30% được sản xuất tại trong nước. Luật sư Quynh đặt ra hai giả thiết cho câu chuyện Asanzo. Theo đó, nếu Asanzo mua linh kiện trôi nổi về để sản xuất tivi, thì công ty đã vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, trong trường hợp công ty đã đăng ký bảo hộ cho các linh kiện được sản xuất ở Trung Quốc và chứng minh được rằng 70% linh kiện nhập khẩu đó là được đặt hàng sản xuất ở nước ngoài thì sẽ là đúng quy định. Từ câu chuyện của Asanzo, TS.LS Bùi Quang Tín, Trọng tài viên Trọng tài thương mại phía Nam, Thành viên liên đoàn luật sự Việt Nam lưu ý, khi doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện từ nước ngoài về sản xuất, lắp ráp thì cần quan tâm đăng ký quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu để tránh đi vào “vết xe đổ” như câu chuyện của Asanzo những ngày qua. Theo các chuyên gia, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang, Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng tiền của họ trong khi đó Việt Nam lại chuẩn bị gia nhập nhiều Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới (FTA). Điều này đã làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp tại Việt Nam, gây ra các rủi ro về mặt pháp lý khó lường. Hơn nữa, trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng và hệ thống pháp luật đang còn nhiều sự bất cập, chồng chéo, phức tạp và thay đổi nhanh chóng, vấn đề rủi ro pháp lý luôn là vấn đề được các doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn. TS Luật Phan Ngọc Tâm, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài thương mại phía Nam khuyến cáo các doanh nghiệp cần đề cao tính tuân thủ cả về chính sách Nhà nước, quy định pháp luật cũng như các chính sách, hệ thống tiêu chuẩn… “Nếu không đảm bảo tuân thủ, rủi ro pháp lý có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đặc biệt khi doanh nghiệp đã phát triển tới một quy mô nhất định, đối thủ cạnh tranh sẽ có thể tìm ra các lỗ hổng, sai sót để cản trở sự phát triển của công ty. Việc tuân thủ này là sự đảm bảo cho hoạt động của doanh nghiệp được diễn ra trên một nền tảng an toàn và hợp pháp” – ông Tâm nói. Ngoài ra, ông Tâm cũng cho hay, trong quá trình hợp tác làm ăn, nhiều doanh nghiệp chỉ quan tâm tới việc khách hàng có mua hàng hay không, số lượng hàng hoá, thời gian giao hàng… mà không chú trọng tới việc lập hợp đồng. Nhiều doanh nghiệp giao phó toàn bộ việc soạn thảo hợp đồng cho đối tác. “Đây chính là việc trao quyền quyết định luật chơi vào tay đối tác và khi xảy ra tranh chấp thì thiệt hại sẽ rất lớn” – ông Tâm nhấn mạnh. Bên cạnh đó, khi hoạt động sản xuất, kinh doanh tại nước ngoài, doanh nghiệp cũng cần quan tâm tìm hiểu quy định pháp luật của nước sở tại. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu quy định về các vấn đề về chế độ, chính sách nội bộ, quyền sở hữu trí tuệ… |