Cho con vì nhà khổ quá,ìnhàkhổquávợchồnggiàkhócnấcngàygặplạisaunăty so bong da y vợ chồng già khóc nấc ngày gặp lại sau 44 năm
Sơn Nguyễn
(Dân trí) - "Bao nhiêu năm đi tìm con không được, nay gặp lại ba mừng quá. Hằng ơi, chừng nào thì con về với ba mẹ?", ông Minh nghẹn ngào nói với cô con gái thất lạc 44 năm, qua màn hình điện thoại.
Gần đây, câu chuyện xúc động về cuộc đoàn tụ của một gia đình ở TPHCM sau 44 năm thất lạc, xa cách đã chạm đến trái tim nhiều người.
Dứt ruột đem con cho người khác
Năm 1980, vợ chồng ông Minh, bà Nga cùng 3 con nhỏ sống gần khu vực chợ cũ Sài Gòn (nay thuộc quận 1, TPHCM). Ngày ngày họ bán hàng rong để kiếm sống. Nhưng dù cố gắng đến đâu, việc nuôi ba con trở thành gánh nặng quá sức với đôi vợ chồng nghèo.
Khi gánh nặng tài chính ngày một dồn ép, vợ chồng bà Nga buộc phải gửi hai con gái lớn về sống với ông ngoại. Cô con gái thứ ba, tên Lệ Hằng, khi ấy mới chỉ 10 tháng tuổi, hàng ngày được đặt nằm trong chiếc thau nhôm, theo cha mẹ len lỏi khắp chợ kiếm sống.
Đến lúc không còn cách nào khác, đôi vợ chồng nghèo buộc phải đưa ra quyết định khiến họ ân hận suốt hơn 40 năm qua: đem con gái cho người khác nuôi. Lựa chọn quẫn bách đó được đưa ra với hy vọng người con sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Qua sự mai mối của người phụ nữ tên Mười, một người bán hàng trong chợ, bà Nga quyết định trao con cho vợ chồng ông Lê Văn Sáng và bà Phan Thị Khó, người gốc Tiền Giang.
Nhận 100 đồng (mệnh giá tiền năm 1980) cảm ơn từ tay bà Khó, bà Nga nuốt nước mắt trao con. Những năm sau, đôi vợ chồng không ngừng dò hỏi tin tức về cô con gái mà họ đã cho đi.
Lúc đầu, họ vẫn nhận được tin về cô bé, biết con được nuôi nấng chu đáo, sống hạnh phúc trong vòng tay của cha mẹ nuôi. Về sau, thông tin về con gái ngày một ít dần, rồi mất hẳn khi gia đình nhận nuôi chuyển đi nơi khác sống, không muốn giữ liên hệ với bố mẹ đẻ con gái nuôi.
Mặc dù khó khăn vẫn đeo đuổi nhưng vợ chồng bà Nga không từ bỏ hy vọng tìm lại con gái đã cho đi. Ông bà đi tìm con khắp nơi, nhưng mọi nỗ lực đều vô ích. Không một dấu vết nào còn lại về đứa trẻ năm xưa được trao tại chợ cũ Sài Gòn.
Bẵng đi nhiều năm sau, bà Nga sinh thêm hai người con, một trai một gái. Dù dồn sức để chăm lo cho các con nhưng trong lòng bà, nỗi nhớ thương và sự day dứt về đứa con thất lạc chưa bao giờ nguôi ngoai. Đôi vợ chồng âm thầm nuôi hy vọng mong manh rằng một ngày nào đó, gia đình được đoàn tụ.
Thời gian trôi qua, sức khỏe của ông Minh dần suy yếu. Đến khi bệnh tình trở nặng, bệnh viện trả về 2 lần, ông vẫn cố gắng sống với ước nguyện cuối đời là được gặp lại cô con gái mà ông dứt ruột đặt vào tay người lạ 44 năm trước.
"Không biết có yếu tố tâm linh nào không, nhưng ba tôi đã hai lần bị bệnh viện trả về, báo lo hậu sự, vậy mà đến giờ ông vẫn còn sống. Ông chỉ có một tâm nguyện duy nhất trước khi nhắm mắt là được gặp lại con gái", bà Dung (con gái ông Minh) chia sẻ trên kênh Youtube Tuấn Vỹ kết nối yêu thương.
Cuộc đoàn tụ sau gần nửa thế kỷ
Về phần mình, bà Hằng lớn lên trong vòng tay của bố mẹ nuôi tại Tiền Giang. Từ năm 7 tuổi, người phụ nữ đã biết mình là con nuôi nhưng chưa bao giờ hỏi thêm về cha mẹ ruột, vì cô sợ sẽ làm tổn thương những người nhận nuôi mình.
Bà giấu kín nỗi khao khát tìm lại gia đình ruột thịt của mình, cho đến khi cha nuôi qua đời. Từ đây, bà bắt đầu tìm kiếm manh mối từ những câu chuyện rời rạc mà bà Mười, người mai mối năm xưa, kể lại.
"Tôi đi khắp nơi tìm cha mẹ nhưng không có kết quả. Tôi chỉ có một ước mơ lớn nhất trong đời là được gặp lại mẹ và anh chị em ruột thịt", bà Hằng nghẹn giọng kể.
Người phụ nữ không ít lần tìm gặp những người lớn tuổi, từng buôn bán tại chợ cũ Sài Gòn năm xưa để hỏi, nhưng đều không có manh mối. Thông tin có được quá ít ỏi. Dù vậy, bà Hằng vẫn quyết không từ bỏ.
Gần đây, qua mạng xã hội và những người thân quen, bà Hằng chia sẻ câu chuyện của mình trên kênh Youtube chuyên tìm người thân. Ngờ đâu có người phụ nữ tên Dung xin được kết nối để xác nhận thông tin.
Lần đầu tiên kết nối, bà Hằng nói chuyện qua màn hình với hai người chị em gái của mình. Khi nhìn thấy nhau, cả ba người không khỏi xúc động khi nhận ra sự giống nhau hiển hiện trên gương mặt mỗi người. Đặc biệt, mọi thông tin trao đổi khi đó đều trùng khớp.
Sau cuộc trò chuyện, những ký ức mơ hồ về tuổi thơ của bà Hằng dần được lấp đầy bằng những câu chuyện về gia đình mà bà chưa từng biết đến.
Thông qua người em gái, bà Hằng tiếp tục được kết nối, gặp vợ chồng ông Minh, bà Nga - bố mẹ ruột của mình.
"Bao nhiêu năm đi tìm con không được, nay gặp lại ba mừng quá. Hằng ơi, chừng nào thì con về với ba mẹ?", ông Minh nghẹn ngào thốt lên trên giường bệnh, nhìn con gái qua màn hình điện thoại.
Một ngày sau cuộc gặp online đó, bà Hằng tức tốc trở về đoàn tụ gia đình. Ngồi trên ô tô, bà Hằng bồi hồi xúc động, nghĩ về giây phút được ôm cha mẹ ruột và những người anh chị em chưa bao giờ gặp mặt.
Bà Hằng vừa bước xuống xe, cả gia đình đã ùa ra ôm chầm, chào đón trong nước mắt mừng tủi ngày đoàn tụ. Người cha già yếu nằm trên giường bệnh, không dời mắt nhìn cô con gái đã 44 năm xa cách, nghẹn ngào khóc mãi.
Người cha không ngừng xin lỗi con, giải thích về quyết định đau đớn năm xưa. Cô con gái thất lạc gần nửa thế kỷ cũng ôm siết cha, sụt sùi nói, đó là điều không thể tránh khỏi trong hoàn cảnh nghèo khó lúc bấy giờ.
Cả gia đình bật khóc nức nở, những giọt nước mắt vỡ òa của niềm đau, khắc khoải và cả hạnh phúc tột cùng. Trong khoảnh khắc ấy, ông Minh ôm con gái vào lòng, nói trong tiếng nấc: "Xin lỗi con. Ơn trời, cha đã đợi được ngày này".