Phấn đấu thu đạt 16.000 tỷ đồng Trao đổi với phóng viên TBTCVN về tình hình hoạt động của đơn vị ở thời điểm “nước rút” cuối năm 2023, ông Nguyễn Trần Hiệu cho hay, chịu ảnh hưởng khó khăn chung của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, từ đầu năm đến nay, hoạt động đầu tư, kinh tế của tỉnh Bình Dương không đạt được mục tiêu mong muốn.
10 tháng năm 2023 so với cùng kỳ thu hút vốn đầu tư nước ngoài của tỉnh mới đạt 1,3 tỷ USD, giảm 53,8%; tổng thu ngân sách của tỉnh đạt 52.390 tỷ đồng, giảm 16,6%; chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp (DN) ngành công nghiệp chỉ bằng 89,7%; số DN giải thể tăng 30,4%; số DN bỏ đi khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh tăng 7,4%. Trong bối cảnh này, hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Bình Dương cũng bị tác động mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ được giao năm 2023. Chủ động ứng phó với những khó khăn, thách thức nêu trên, ngay từ đầu năm 2023 đến nay, Cục Hải quan Bình Dương đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đề ra, triển khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, UBND tỉnh Bình Dương và Tổng cục Hải quan. Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, Cục Hải quan Bình Dương còn đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 ngay sau khi Nghị quyết số 01/NQ-CP (ngày 6/1/2023) ban hành. Đơn vị cũng chú trọng rà soát văn bản quy phạm pháp luật để tham gia góp ý nhằm khắc phục các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn. Lãnh đạo Cục Hải quan Bình Dương cho biết thêm, đơn vị luôn coi trọng việc tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của DN song hành với thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách. Cụ thể là trong năm 2023 tiếp tục cải cách thủ tục hành chính về thuế, đẩy mạnh điện tử hóa quản lý thuế; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế quản lý thuế, đặc biệt trong một số lĩnh vực, hoạt động sản xuất kinh doanh mới phát sinh trong nền kinh tế số, giao dịch điện tử xuyên biên giới; chống chuyển giá, trốn thuế, quyết liệt thu hồi nợ thuế. Nhờ có mục tiêu định hướng rõ ràng, thống kê đến nửa cuối tháng 11/2023, đơn vị vẫn đảm bảo thông quan hàng hoá cho hơn 6.930 DN, với kim ngạch xuất nhập khẩu hơn 19 tỷ USD. Với những nỗ lực nêu trên, thời gian còn lại của năm 2023, Cục Hải quan Bình Dương phấn đấu thu đạt tối đa 16.000 tỷ đồng (đạt 79,2% so với chỉ tiêu của Bộ Tài chính giao, đạt 75,43% chỉ tiêu phấn đấu thu năm 2023). Cải cách, hiện đại hóa quy trình, thủ tục Đề cập đến kế hoạch năm 2024 đang đến gần, lãnh đạo Cục Hải quan Bình Dương cho hay, đơn vị tích cực cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hoá quy trình giám sát hải quan, tháo gỡ khó khăn cho DN; triển khai các đề án tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu trong 2024. Theo đó, đơn vị tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ tư vấn, giải đáp trực tuyến của cục và Tổ phát triển quan hệ đối tác hải quan - DN. Thực hiện các bước triển khai chủ trương Kế hoạch xây dựng, phát triển hải quan số, hải quan thông minh của Tổng cục Hải quan đề ra. Hiện đại hóa môi trường làm việc và công tác quản lý điều hành theo hướng đơn giản hóa, số hóa các quy trình quản lý điều hành nhằm tự động hóa tối đa các hoạt động quản lý và thực hiện trên môi trường số. Luôn duy trì và thường xuyên cải tiến, nâng cao hiệu quả mô hình “Công sở thân thiện”. Tại 9 địa điểm làm thủ tục hải quan trực thuộc cục luôn được trang bị đầy đủ các phương tiện phục vụ khách hàng, niêm yết công khai thủ tục hành chính, bảng chỉ dẫn làm thủ tục, thông báo số điện thoại đường dây nóng, tổ giải đáp vướng mắc, đặc biệt có hệ thống camera giám sát tại các quầy làm thủ tục để doanh nghiệp có thể theo dõi tiến độ giải quyết công việc của cán bộ công chức. Để công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm không trùng lặp, chồng chéo, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường, đúng luật pháp của DN, trong năm 2024 tới đây, Cục Hải quan Bình Dương tiếp tục đổi mới hoạt động kiểm tra chuyên ngành theo hướng tập trung đầu mối, phân định rõ thẩm quyền, chuyển mạnh từ cơ chế “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”. Cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm nguồn lực, giảm chi phí, giảm thời gian thông quan hàng hóa; giúp nâng cao ý thức trách nhiệm của DN trong việc tuân thủ pháp luật về chất lượng, về an toàn thực phẩm của hàng hóa, bảo vệ an toàn cho cộng đồng, người tiêu dùng. Tăng cường áp dụng kiểm tra thực tế bằng hình thức máy soi, giảm kiểm tra thủ công, tối ưu hóa công suất của máy soi, sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát hàng hóa. Qua đó nâng cao năng lực kiểm soát hải quan, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, rút ngắn thời gian thông quan cho hàng hóa của DN. Đặc biệt, trong năm 2024, đơn vị tiếp tục thực hiện các đề án quan trọng như đẩy mạnh công tác cải cách hành chính tổng thể theo chương trình cải cách hành chính của Chính phủ, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan đến năm 2025. Triển khai sử dụng các chứng từ điện tử (giấy phép điện tử, giấy chứng nhận xuất xứ điện tử và các giấy tờ điện tử tương đương) được cấp thông qua Cơ chế một cửa quốc gia khi thực hiện các thủ tục hành chính khác có liên quan.
|