Mỏ Thạch Khê (Thạch Hà, Hà Tĩnh) là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, được phát hiện từ năm 1960, với trữ lượng khoảng 544 triệu tấn. Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê do TIC làm chủ đầu tư được khởi công từ 2009 - Ảnh: Báo Hà Tĩnh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây đã trình văn bản số 5739 gửi lên Thủ tướng Chính phủ, trong đó kiến nghị cho phép Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) dừng khai thác, chế biến mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) và dừng cả dự án sản xuất phôi thép công suất 2 triệu tấn/năm tại đây. Mỏ Thạch Khê (Thạch Hà, Hà Tĩnh) là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, được phát hiện từ năm 1960, với trữ lượng khoảng 544 triệu tấn. Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê do TIC làm chủ đầu tư được khởi công từ 2009. Dự án có quy mô lên tới 14.517 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 là 6.777 tỷ, giai đoạn 2 là 7.739 tỷ đồng. Doanh thu cả đời dự án được đánh giá vào khoảng 35 tỷ USD, nộp ngân sách khoảng 9 tỷ USD, góp phần tăng GDP hàng năm 0,3 - 1%. Kiến nghị dừng dự án của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được đưa ra khá bất ngờ, ngay lập tức vấp phải những thông tin trái chiều từ phía các bộ ngành, các chuyên gia, nhà khoa học… Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) phản hồi kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra là "chưa thấu đáo, chưa khách quan, không phản ánh đầy đủ và không đúng với kết quả TIC đã thực hiện". TKV cho rằng báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư không thể hiện đúng nội dung tại hai cuộc họp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, theo đó các bộ ngành và nhiều nhà khoa học ủng hộ tiếp tục triển khai dự án, riêng tỉnh Hà Tĩnh không ủng hộ. Với phương án dừng dự án như kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TKV khẳng định có thể dẫn đến phá vỡ quy hoạch thăm dò khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt... Theo TKV, với khoản vốn đầu tư đã bỏ ra gần 2.000 tỷ đồng, việc dừng dự án có nguy cơ làm mất vốn của doanh nghiệp, trong đó đa số là vốn Nhà nước. Do đó, TKV kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai dự án khai thác và tuyển quặng sắt mở Thạch Khê, Hà Tĩnh. Bộ Công Thương thì cho rằng đề xuất dừng dự án là chưa đủ cơ sở khoa học và thực tiễn. "Việc dừng hay không dự án này cần được xem xét thận trọng một cách toàn diện, phải tính tới những hậu quả, hệ lụy liên quan đến thiệt hại hàng nghìn tỷ mà nhà đầu tư đã bỏ ra 10 năm nay. Bên cạnh đó phải tính đến hiệu quả kinh tế của dự án, phát triển công nghiệp và kinh tế Việt Nam, đóng góp vào GDP, giảm nhập siêu, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, cũng như các vấn đề liên quan như an sinh xã hội, an ninh trật tự xã hội và nhiều hệ lụy khác", Bộ Công Thương nêu quan điểm. Theo đó, Bộ Công Thương muốn "hồi sinh" lại dự án. Bộ này cho rằng, "với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án khoảng 6.700 tỷ đồng thì việc huy động vốn đầu tư khi dự án được khởi động là đảm bảo khả thi, đáp ứng được tiến độ giải ngân". Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, về tính khả thi của dự án thì tất cả các cơ quan chức năng như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương cùng nhiều bộ, ngành, thậm chí các nhà tư vấn, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã nghiên cứu trong thời gian rất dài. "Quan điểm của chúng tôi là chúng ta không làm kinh tế, không phát triển kinh tế bằng mọi giá nhưng ngược lại, chúng ta không thể vì một lý do nào đó mà có thể chưa phải mang lại toàn những cái lợi cho một dự án nào đó mà không tiếp tục triển khai các dự án", ông Hải nói. Ông Phạm Lê Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và Khai thác khoáng sản Thăng Long - một cổ đông của TIC - trong văn bản gửi lên Thủ tướng cũng phản đối với kiến nghị dừng dự án của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. |