【soi kèo liverpool vs man city】Nắn nót con chữ vui tuổi xế chiều
(CMO) Xoá mù chữ là công tác được biết đến với rất nhiều sự kiên nhẫn và tận tâm. Việc bắt đầu học chữ khi đã bước qua tuổi trung niên càng vô cùng khó khăn. Thế nhưng, lớp học tình thương ở ấp Sào Lưới, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, lại hội đủ cả 2 yếu tố đó. Lớp học chỉ mới mở hơn 2 tháng nay, đứng trên bục giảng là cán bộ phụ nữ xã, học sinh đến học chữ là những phụ nữ nghèo, những chú, bác tóc đã điểm màu sương trắng.
Chúng tôi trở lại xã Nguyễn Việt Khái giữa mùa mưa, con đường ra cửa biển Sào Lưới vốn đã xa nay thêm phần khó khăn vì trơn trượt, rong rêu sau những đám mưa dầm. Chị Ðào Thị Thanh An, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Nguyễn Việt Khái, dẫn đường, chốc chốc phải dòm chừng vì lo chúng tôi không quen. Lớp học tình thương ở cửa biển Sào Lưới là nơi thứ hai Hội LHPN xã Nguyễn Việt Khái đứng ra tổ chức.
Lớp học đặc biệt về đối tượng lẫn cách thức học tập. Cũng là âm thanh ê a ghép vần nhưng không là tiếng trẻ thơ trong trẻo, ngọng nghịu mà là những giọng đọc trầm màu thời gian, đôi khi có những tiếng lọt thỏm giữa những tiếng đồng thanh. Học trò khi xung phong đọc bài không mở đầu bằng: "Thưa cô", mà bắt đầu là: “Tui đọc nghen thím Sáu”. Bởi lớp học ở cửa biển Sào Lưới thường do chị Trương Kim Lến, Chi hội phó Chi hội Phụ nữ ấp Sào Lưới, đứng lớp.
Chị Trương Kim Lến cùng những “học trò” đặc biệt. |
Chị Lến là người dân cửa biển này nên thân thuộc với bao hộ gia đình nơi đây. Chị Lến chia sẻ: “Lúc đầu đi họp tổ phụ nữ thấy có một vài chị không ghi được tên, mình nghĩ chỉ là số ít, nhưng sau khi hỏi thăm thì mới biết còn nhiều chị em chưa biết đọc, biết viết nhưng ngại nói ra, nên mình mới bàn với chị An mở lớp dạy chữ. Ðiều khiến mình đảm đương được công việc này chính là sự hăng say, chăm chỉ, mừng vui được học chữ của các chị, các cô, chú. Chỉ khi nào bận lắm thì mới nghỉ, xin phép đàng hoàng, rồi bữa sau học bù”.
Mỗi học viên mỗi hoàn cảnh, nhưng tựu trung đều nghèo khó, vì vất vả mưu sinh mà thất học. Cụ bà Nguyễn Thị Thao, 74 tuổi, ngồi ngay ngắn ở bàn đầu của lớp học và được chị Lến giới thiệu là học viên lớn tuổi nhất nhưng lại chăm chỉ nhất lớp. Ngồi cạnh cụ bà là đứa cháu cố lên 5 tuổi, bà Thao dắt thằng cháu nhỏ theo để vừa học vừa tiện trông nom. Ở độ tuổi mắt mờ, tay run nhưng chỉ sau 2 tháng học tập, bà Thao đã có thể tự viết tên mình với niềm phấn khởi ngời lên trong ánh mắt.
“Mưa nắng gì tui cũng đi học hết. Có người nói già rồi học làm gì, nhưng tui mặc kệ, mình phải học đặng biết chữ. Giờ tui viết được tên mình, đọc được bài rồi nè. Chiều chuẩn bị cơm nước, dọn dẹp nhà cửa xong xuôi là đem sổ đi học, tối về ăn cơm xong là đốt đèn để viết bài cô cho. Học có trả bài hẳn hoi, đứng lên đọc sợ không thuộc bài lắm. Biết được cái chữ tui mừng quá cô ơi!”, bà Thao bộc bạch.
Lớp học đặc biệt này được hình thành từ những trăn trở và ấp ủ của chị Ðào Thị Thanh An. Thấy nhiều phụ nữ ở các cửa biển trong xã không biết đọc, biết viết, đó là thiệt thòi lớn cho chị em trong cuộc sống thường nhật, vì thế chị Thanh An xin ý kiến Ðảng uỷ, UBND xã Nguyễn Việt Khái, mở lớp học trên tinh thần như thế. Các đợt học của lớp cứ thế duy trì, giúp nhiều chị em biết đọc, viết, nhiều chị em dân tộc Khmer cũng rành tiếng Việt hơn.
Chị Ðào Thị Thanh An chăm chút từng nét chữ cho những cô chú ngoài 60 tuổi. |
Lớp học tình thương ở cửa biển Sào Lưới nói là mở để dạy chữ cho phụ nữ nghèo, thất học nhưng còn có cả nam giới không ngại ngần khi đến xin cái chữ. Ông Nguyễn Văn Sang, ở ấp Gò Công, xã Nguyễn Việt Khái, năm nay đã ngoài 60 tuổi cũng ngày ngày đều đặn đến lớp. “Hồi trẻ do không có điều kiện đi học nên không biết chữ. Giờ có lớp học này tui mừng lắm. Cũng có người nói già rồi còn đi học chữ chi nữa nhưng tôi không ngại đâu. Hồi trước đi chợ nhìn bảng hiệu toàn coi hình, giờ tôi đọc được bảng hiệu, rồi biết viết tên rồi”, ông Sang cười đầy tự hào chỉ vào những dòng chữ tập viết Nguyễn Văn Sang, nét chữ còn run rẩy, chưa ngay ngắn nhưng to, rõ nét.
Khi hỏi về sự kiên nhẫn khi dạy chữ cho những cô chú lớn tuổi, chị Lến chia sẻ: “Lúc đầu tôi phải viết mẫu, kèm từng chữ. Anh chị, cô chú rất chịu khó, cố gắng làm theo. Gia đình tôi, ngay cả con cháu trong nhà cũng ủng hộ việc tôi làm, tới giờ là nhắc đi qua lớp nên tôi có thêm động lực, niềm vui”.
Trên đường ra thăm lớp dạy chữ, chị Ðào Thị Thanh An không quên chuẩn bị thêm ít bánh ngọt. Chị An bảo: “Thể nào cũng có mấy đứa nhỏ theo cha, mẹ, ông, bà qua lớp học, đem theo ít bánh chia cho các cháu nó vui. Thêm nữa, lớp học bắt đầu khá trễ, vào 16 giờ 30 phút mỗi ngày, vì phòng học phải mượn của điểm lẻ Trường Tiểu học Việt Khái 2".
"Dù cả ngày bận rộn với công việc mưu sinh nhưng các học viên đặc biệt này rất chăm chỉ, phấn chấn khi đi học. Khi các cô, chú viết được họ tên mình lên bảng thì không chỉ các học viên xúc động mà người dạy cũng vui cùng. Ðây chính là động lực để tôi làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình", chị Thanh An chia sẻ.
Sẽ có ý kiến cho rằng việc xoá mù chữ cho học viên lớn tuổi cũng không để làm gì. Nhưng nếu được tận mắt chứng kiến niềm vui của những cô chú tuổi ngoài 60 nắn nót viết tên mình, lần dò từng nét chữ để đánh vần và đọc tròn câu tập đọc thì mới thấy được giá trị nhân văn của lớp học. Niềm vui rưng rưng nơi khoé mắt khi được khen viết đẹp của cụ bà Nguyễn Thị Thao làm tôi nhớ mãi. Ðó không chỉ là thành quả của sự cố gắng mà còn là tấm gương về tinh thần hiếu học, vượt khó để con cháu noi theo.
Ở nơi cửa biển nghèo, xa xôi ấy vẫn còn nhiều phụ nữ trẻ thất học, thiệt thòi và cái chữ mà họ học được phần nào giúp họ tiếp cận nhiều hơn với các phương tiện thông tin, tri thức và hơn hết là bảo vệ chính mình, hướng đến bình đẳng giới trong xã hội. Những lớp dạy chữ như thế này càng trở nên đáng giá, ý nghĩa hơn bao giờ hết./.
Minh Long