| Ảnh minh họa |
Kết thúc phiên này, chỉ số S&P 500 tiến 0,39% lên 5.469,30 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite cộng 1,26% lên 17.717,65 điểm. Cả 2 chỉ số này đều chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp. Trong khi, chỉ số Dow Jones mất 299,05 điểm (tương đương 0,76%) còn 39.112,16 điểm. Cổ phiếu Nvidia vọt 6,7%. Trong phiên trước đó, cổ phiếu này đã sụt hơn 6%, chứng kiến phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 19/04/2024, khi cổ phiếu này bốc hơi 10%. Một số cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn khác cũng phục hồi sau khi sụt giảm vào ngày thứ Hai (24/06). Cổ phiếu Meta Platforms và Alphabet đều tăng hơn 2%. Diễn biến trong phiên ngày thứ Ba đánh dấu sự đảo chiều so với phiên trước đó. Vào ngày thứ Hai, đà sụt giảm của cổ phiếu Nvidia đã gây áp lực lên những cổ phiếu được hưởng lợi từ trí tụệ nhân tạo (AI) Super Micro Computer và Qualcomm, đồng thời Nasdaq Composite mất hơn 1% trong phiên tồi tệ nhất kể từ tháng 4/2024. Tại châu Á, cùng ngày, phần lớn các thị trường đều tăng điểm. Cụ thể, tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 tăng 1% lên 39.173,15 điểm. Còn tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 0,1% xuống 18.005,06 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 0,4% xuống 2.950 điểm. Chứng khoán Sydney, Seoul, Singapore, Mumbai, Bangkok, Wellington và Manila đều trong vùng xanh. Các nhà đầu tư cũng đang theo dõi sát sao tình hình tại Nhật Bản sau khi những quan chức tiền tệ hàng đầu của nước này cảnh báo các nhà chức trách sẵn sàng can thiệp để hỗ trợ đồng yen trong bối cảnh đồng nội tệ này đang ở mức thấp nhất trong 30 năm so với đồng USD. Bên cạnh đó, các dữ liệu của Mỹ cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn duy trì sức khỏe và thị trường việc làm vẫn thắt chặt, các nhà đầu tư không chắc chắn về kế hoạch lãi suất của Fed, hay thậm chí là có hay không việc cắt giảm lãi suất trong năm nay. Sự chú ý của thị trường hiện nay là số liệu PCE của Mỹ, trong đó các nhà giao dịch hy vọng về một sự sụt giảm để tạo điều kiện cho các nhà hoạch định chính sách bắt đầu nới lỏng chính sách./. |