Đào tạo chưa gắn với nhu cầu thị trường Theo số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), trong 5 năm (2014-2018), cả nước có khoảng 2,9 triệu lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo đề án tại Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" (Quyết định 1956), bao gồm 1,18 triệu lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề nông nghiệp, chiếm 40,7% và 1,72 triệu lao động nông thôn được hỗ tợ học nghề phi nông nghiệp, chiếm 59,3%. Có hơn 2,33 triệu người có việc làm sau học nghề, đạt 80,3%. Tại Quyết định 1956, Bộ LĐTB&XH được giao chủ trì thực hiện thí điểm đặt hàng dạy nghề trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề. Tính đến thời điểm này, Bộ đã đặt hàng dạy nghề với 26 cơ sở dạy nghề, tổng chỉ tiêu đặt hàng đào tạo nghề là 12.107 học sinh (4.368 cao đẳng nghề, 7.739 trung cấp nghề). Đối tượng đào tạo là lao động nông thôn thuộc hộ nghèo; lao động nông thôn là người dân tộc thiểu số; lao động nông thôn bị thu hồi đất canh tác có khó khăn về kinh tế; lao động nông thôn là con liệt sỹ, con thương binh nặng, con bệnh binh nặng. Số học sinh, sinh viên tốt nghiệp đã được bố trí việc làm đúng nghề đào tạo đạt tỷ lệ trên 90%, đã có gần 400 doanh nghiệp tiếp nhận học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp vào làm việc tại doanh nghiệp. Thực tế triển khai hình thức đặt hàng dạy nghề cho thấy, hình thức này đã gắn kết giữa các tổng công ty, doanh nghiệp (gọi tắt là người sử dụng lao động) với các cơ sở đào tạo nghề. Người sử dụng lao động đã được tham gia vào toàn bộ quá trình đào tạo của cơ sở dạy nghề: quản lý, đào tạo nghề và hỗ trợ cho học sinh trong thời gian đào tạo nghề và nhận học sinh sau khi tốt nghiệp. Cơ sở đào tạo nghề đã đào tạo theo nhu cầu của người sử dụng lao động, tránh lãng phí về thời gian, tài chính cho xã hội và người học. Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng phát sinh một số khó khăn như nhiều doanh nghiệp chưa hỗ trợ kinh phí kịp thời, đủ như cam kết trong hợp đồng (25% kinh phí/nguồn ngân sách nhà nước giao). Nhiều học sinh tốt nghiệp không muốn đi làm ở các doanh nghiệp theo sự bố trí của nhà trường. Nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp được bố trí việc làm nhưng lương thấp, vất vả, đi làm xa nên đã bỏ việc. Theo thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh, năm 2018, tỉnh đã đào tạo cho khoảng 35.000 người lao động ở nông thôn, trong đó trình độ cao đẳng là 1.500 người. Tuy nhiên, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng thừa nhận, công tác đào tạo nghề cho LĐNT còn có những bất cập và hạn chế. Một số địa phương chưa gắn kết giữa đào tạo và sử dụng lao động, chưa kết nối được thông tin về cung – cầu lao động thị trường gắn với đào tạo nghề cho lao động nông thôn; định hướng nghề nghiệp và giải quyết việc làm khi kết thúc khóa học cho lao động nông thôn học nghề chưa được quan tâm thỏa đáng. Tại Yên Bái, kết quả giám sát việc thực hiện Đề án 1956 cho thấy, quy mô đào tạo của các trường thấp do công tác tuyển sinh gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là hệ trung cấp và cao đẳng. Cơ sở vật chất còn thiếu và chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo, số lượng phòng học, xưởng thực hành chưa đáp ứng; sự gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp chưa chặt chẽ. Các trường, trung tâm chưa thực sự chuyển sang đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động. Đào tạo theo các đơn đặt hàng của doanh nghiệp ít, đa số học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp tự tìm việc làm mà chưa có sự hỗ trợ thông tin từ phía các trường. Sớm ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật Nhằm đẩy mạnh đào tạo nghề theo đơn đặt hàng, Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH) đã đưa ra một số giải pháp, đó là: cần xác định được nhu cầu của người sử dụng lao động, cụ thể là nhu cầu của doanh nghiệp. Nhà nước thực hiện cơ chế đấu thầu, đặt hàng đào tạo đối với những ngành, nghề đặc thù; những ngành, nghề thuộc các ngành kinh tế mũi nhọn; những ngành, nghề thị trường lao động có nhu cầu nhưng khó thực hiện xã hội hóa. Bên cạnh đó, cần ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở xác định đơn giá đặt hàng. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1508/QĐ-TTg ngày 27/7/2016 ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ LĐTB&XH. Bộ này cũng đang thí điểm xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật cho 9 nghề. Bộ LĐTB&XH đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định quy định về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công (thay thế Nghị định số 130/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích và Quyết định số 39/2008/QĐ-TTg ngày 14/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước)./. Bùi Tư |