Các bộ, ngành trung ương, địa phương đã chấp hành đúng các quy định về nguyên tắc phân bổ. Đã phân bổ hơn 92% kế hoạch vốn
Tổng số kế hoạch chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước năm 2020 được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao là 470.600 tỷ đồng, bao gồm: Vốn trong nước là 410.600 tỷ đồng và vốn nước ngoài là 60.000 tỷ đồng.
Tính đến ngày 22/4, Bộ Tài chính đã nhận được báo cáo phân bổ vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) của 51/53 bộ, ngành và 63/63 địa phương; 53/54 báo cáo phân bổ vốn chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) của các đơn vị với tổng số vốn phân bổ là 436.146,15 tỷ đồng, đạt 92,68% kế hoạch vốn Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao.
Về phân bổ kế hoạch vốn NSNN (chưa bao gồm vốn CTMTQG), tổng số kế hoạch vốn các bộ, ngành, địa phương đã triển khai phân bổ chi tiết là hơn 411 nghìn tỷ đồng, đạt 92,8% kế hoạch vốn Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó: các bộ, ngành trung ương kế hoạch đã phân bổ là hơn 85.817 tỷ đồng, đạt hơn 79% so với kế hoạch được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn còn lại là hơn 22 nghìn tỷ đồng do các dự án từ nguồn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa được cấp có thẩm quyền bổ sung kế hoạch trung hạn nên chưa đủ điều kiện phân bổ. 100% các địa phương đã thực hiện phân bổ vốn. Trong đó, tổng kế hoạch đã phân bổ là hơn 325 nghìn tỷ đồng, đạt hơn 97% kế hoạch được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao.
Theo quy định các bộ, ngành cơ quan trung ương và UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương phải phân bổ chi tiết danh mục, mức vốn bố trí của từng dự án cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc và UBND cấp dưới, gửi phương án phân bổ chi tiết cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 31/12/2019, song về cơ bản các bộ, ngành địa phương không đảm bảo đúng thời gian quy định.
Đến nay, còn 2 bộ, ngành chưa phân bổ kế hoạch năm 2020 là Hội Nhạc sỹ Việt Nam (do đơn vị mới được giao bổ sung kế hoạch vốn) và Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Hiện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có Công văn số 494/UBQLV-VP gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính đề nghị hoàn trả lại NSNN số kế hoạch vốn năm 2020 đã được giao là 1,6 tỷ đồng (do đơn vị chưa thể triển khai được dự án trong năm 2020 vì chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch và bố trí quỹ đất để thực hiện).
Theo Bộ Tài chính, về cơ bản các bộ, ngành trung ương, địa phương đã chấp hành đúng các quy định về nguyên tắc phân bổ.
Kiến nghị giao bổ sung vốn trung hạn theo kế hoạch
Đối với việc phân bổ kế hoạch vốn năm 2020 để thực hiện CTMTQG, Bộ Tài chính đã nhận được báo cáo phân bổ vốn của 53/54 đơn vị, với số vốn phân bổ là hơn 24,7 nghìn tỷ đồng, đạt hơn 90% kế hoạch.
Bộ Tài chính cho rằng, đa số các đơn vị phân bổ đúng cơ cấu vốn theo chương trình, theo nguồn vốn trong nước, ngoài nước. Tuy nhiên, qua sơ bộ rà soát còn một số tồn tại như một số địa phương mới phân bổ tổng số vốn theo từng chương trình mà chưa phân bổ chi tiết đến các đơn vị và chủ đầu tư; một số địa phương chưa phân bổ chi tiết theo nguồn vốn trong nước và ngoài nước. Ngoài ra, còn nhiều địa phương chưa phân bổ vốn thực hiện các đề án theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới. Một số địa phương phân bổ vốn không đúng đối tượng NSNN hỗ trợ thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới.
Nhìn một cách tổng thể, năm nay, việc phân bổ vốn đầu tư công có nhiều cải thiện. 100% các địa phương đã hoàn thành việc giao vốn, số vốn hơn 22 nghìn tỷ đồng chưa giao hiện chủ yếu do nguyên nhân khách quan. Số này là do các dự án từ nguồn dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa được cấp có thẩm quyền bổ sung nên chưa đủ điều kiện phân bổ. Do đó, mới đây, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tổng hợp báo cáo Thủ tướng giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các dự án sử dụng từ nguồn dự phòng trung hạn và 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm của các dự án quan trọng quốc gia, để các bộ, ngành, địa phương có cơ sở giao kế hoạch vốn năm 2020.
Theo bà Mai Thị Thùy Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), năm nay các bộ, ngành, địa phương đã sớm phân bổ kế hoạch vốn. Luật Đầu tư công (sửa đổi) có hiệu lực từ năm 2020 đã phân cấp triệt để quy trình thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thẩm định (trừ chương trình, dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ), do đó đây được cho là nguyên nhân giúp việc phân bổ vốn được cải thiện.
Bà Dương tin tưởng rằng, trong thời gian tới, trên cơ sở số vốn đã được phân bổ này, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương bắt tay vào triển khai dự án để có khối lượng hoàn thành và đạt được kế hoạch giải ngân vốn theo đúng mục tiêu đề ra. Minh Anh |