Các trường THPT trong địa bàn tỉnh đã giúp học sinh làm quen với đề thi minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Trong đó,ọcsinhlmquenvớiđềthiminhhọbxh hạng nhất trung quốc đổi mới phương pháp dạy và học là bước chuẩn bị tốt cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.
Giờ học toán ở Trường THPT Vị Thanh.
Chủ động đổi mới
Sau khi Bộ GD&ĐT công bố phương án thi THPT quốc gia năm 2017, nhiều trường THPT yêu cầu giáo viên và học sinh thay đổi cách thức giảng dạy, học tập để có thể đáp ứng phương thức thi mới.
Chủ động lên kế hoạch giảng dạy ngay từ đầu năm học nên với đổi mới của Bộ GD&ĐT trong kỳ thi năm nay, Trường THPT Ngã Sáu, huyện Châu Thành, không có nhiều xáo trộn. Ông Huỳnh Văn Méo, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Từ những thay đổi của bộ trong kỳ thi năm trước, nhà trường đã chủ động hơn trong việc đổi mới phương pháp dạy. Nhờ việc khảo sát, phân loại học sinh ngay từ đầu năm học mà chúng tôi không cập rập. Hiện tại, trường có 5 lớp 12 với 191 học sinh. Theo đó, có 1 lớp đang dạy thí điểm chương trình tiếng Anh, 4 lớp còn lại chúng tôi đã phân hóa các em theo 2 ban tự nhiên và xã hội (mỗi ban 2 lớp). Khi bộ đưa ra phương án thi có các bài tổng hợp, chúng tôi cũng không quá bất ngờ”.
Trong khi các trường THPT khác phân hóa học sinh theo các lớp khá, giỏi, trung bình, yếu, Trường THPT Ngã Sáu lại phân bố học sinh khá giỏi, trung bình, yếu đều tất cả các lớp. Ông Huỳnh Văn Méo chia sẻ thêm: “Với cách làm này, chúng tôi sẽ cho học sinh học theo hình thức đôi bạn cùng tiến, bố trí, sắp xếp em khá giỏi, kèm các bạn yếu, trung bình. Như vậy, các em sẽ cùng nhau tiến bộ, chứ lớp học toàn những em yếu không thì khó mà khích lệ tinh thần học tập của các em”. Cách làm này được trường áp dụng vào năm học 2015-2016, kết quả mang lại là có trên 58% học sinh xếp loại khá, giỏi, tỷ lệ học sinh yếu, kém giảm chỉ còn 7%. Trường đứng thứ 3 trong tỉnh với tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT quốc gia 2016 hơn 98%. Cô Trần Tố Quyên, giáo viên dạy môn tiếng Anh của trường, nói: “Với phương án thi mới, môn tiếng Anh sẽ trắc nghiệm 100% với 50 câu. Để giúp các em làm bài tốt, hiện tại tôi tập trung vào nâng cao khả năng từ vựng cho học sinh, rèn các cấu trúc câu, phân chia thì… Việc rèn kỹ năng làm bài cho học sinh là quan trọng nhất…”.
Còn với Trường THPT chuyên Vị Thanh, việc đổi mới kỳ thi năm nay tuy không mấy khó khăn cho trường, nhưng để đạt kết quả cao trong kỳ thi, bản thân các giáo viên phải có nhiều đổi mới trong cách dạy. Ông Lưu Văn Lập, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Vị Thanh, cho biết: “Chúng tôi vẫn lo ở môn giáo dục công dân, vì không ít học sinh xem nhẹ. Sau khi có đề thi minh họa, trường đã họp tổ giáo dục công dân và có lưu ý viết lại khung chương trình, trên cơ sở đó tích hợp các nội dung theo chủ đề, vừa dạy theo cách lâu nay vẫn thực hiện, vừa đưa ra hướng xây dựng nên bộ câu hỏi trắc nghiệm. Giáo viên chủ động ra đề 15 phút, 1 tiết trắc nghiệm để giúp học sinh quen dần đề thi”.
Để học sinh không lúng túng
Tiếp cận đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT, nhiều giáo viên phụ trách bộ môn thi thuộc tổ hợp xã hội và tự nhiên cho rằng không quá khó. Thầy Đỗ Thành Nhân, Tổ trưởng Tổ toán - tin Trường THPT Vị Thanh, cho biết: “Đề thi mẫu có nội dung chủ yếu trong sách giáo khoa thuộc chương trình lớp 12. Câu hỏi khá đa dạng, có sự sắp xếp, phân hóa từ dễ đến khó, tạo thuận lợi cho học sinh. Tuy nhiên, có đề thi buộc học sinh phải có kỹ năng, tư duy linh hoạt, bố trí thời gian để làm bài. Tổ đã chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy, xây dựng ngân hàng đề thi trắc nghiệm, tăng cường các bài kiểm tra, cho học sinh làm bài nhóm… để các em quen dần”.
Em Lê Nguyễn Khả Thùy, học sinh lớp 12D, Trường THPT Ngã Sáu, bộc bạch: “Lúc đầu, em có hơi lo không biết đề thi trắc nghiệm sẽ ra sao, nhưng sau đợt kiểm tra giữa học kỳ vừa qua đã giúp em rất nhiều trong việc rèn kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm. Em thấy đề thi trắc nhiệm không quá khó”.
Cái khó của học sinh đang gặp là việc làm bài theo tổ hợp môn thi xã hội và tự nhiên đều quá dài, với số lượng 120 câu hỏi trắc nghiệm (mỗi môn cấu phần tổ hợp bài thi 40 câu), với thời lượng mỗi bài thi chỉ 150 phút, thí sinh sẽ đuối sức. Em Nguyễn Chí Tâm, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Vị Thanh, chia sẻ: “Em vẫn sợ khi thi chính thức các môn khoa học tự nhiên sẽ khó, không đủ thời gian làm bài. Để làm ra một bài toán trung bình cũng cần ít nhất 2 phút, nếu gặp các bài toán khó còn mất thời gian hơn nhiều. Em đang rèn kỹ năng làm bài nhanh, khai thác tối đa chiếc máy tính để giải các phương trình nhanh, chính xác”.
Với phương án thi mới, số lượng môn thi nhiều, buộc học sinh phải nắm vững nhiều kiến thức, nên dù sức học của học sinh có khá, giỏi, các trường vẫn thấy áp lực…
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ gồm 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập: Toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn vật lý, hóa học, sinh học) và khoa học xã hội (tổ hợp các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân) áp dụng đối với hệ giáo dục THPT; tổ hợp các môn lịch sử, địa lý áp dụng đối với hệ giáo dục thường xuyên. Theo đó, thí sinh phải thi 4 bài thi gồm: 3 bài thi bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn: bài thi khoa học tự nhiên hoặc bài thi khoa học xã hội. |
Bài, ảnh: CAO OANH