Từ đầu năm 2020 đến nay, hoạt động thương mại thế giới có nhiều khó khăn bởi đại dịch Covid-19, trong đó doanh nghiệp ở Việt Nam cũng không ngoại lệ. Vậy hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương trong thời gian đại dịch vừa qua như thế nào, thưa ông? - Trong đợt dịch bệnh Covid-19 vừa qua, ngành kinh doanh bán lẻ ở sân bay và sân bay Cam Ranh của chúng tôi có ảnh hưởng và sụt giảm doanh số rất nhiều do các chuyến bay thương mại quốc tế bị đóng cửa. Nhưng ngược lại, ngành kinh doanh hàng hiệu nội địa của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương lại có kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng, đó là vì trong Covid-19, khách hàng Việt không đi được Singapore, Hong Kong và nước ngoài... để mua sắm hoặc đặt hàng xách tay về Việt Nam, và họ đã mua sắm hàng hiệu với những sản phẩm chính hãng ngay tại Việt Nam. Theo tôi, dịch bệnh ảnh hưởng đến nhiều người tiêu dùng, nhưng với những người có điều kiện sẽ không khó khăn lắm. Do đó, nắm bắt được nhu cầu mua sắm trong đại dịch, công ty chúng tôi gửi mẫu hàng hóa đến các khách hàng, khi những sản phẩm được lên kệ ở Paris hay các kinh đô hàng hiệu thì cũng đến tay khách hàng Việt Nam ngay cùng lúc. Như vậy, khách hàng của chúng tôi vẫn sở hữu các mặt hàng mới mà không phải ra nước ngoài chọn lựa như trước đây. Đây chính là thành công của chúng tôi. Nhờ vậy, doanh số bán hàng của mảng bán lẻ đã tăng 15% trong khi đã cắt được 20% chi phí. Thưa ông, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã có hiệu lực vừa tròn 2 tháng nay. Là một trong những doanh nghiệp lớn có quan hệ thương mại với nhiều đối tác châu Âu, ông mong muốn gì từ hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là cơ quan Hải quan để tận dụng tốt các lợi thế từ Hiệp định này? - Tôi cho rằng, hiệp định thương mại nào cũng luôn tác động đến 2 chiều: xuất khẩu và nhập khẩu. Với EVFTA, chúng ta đã đạt được hiệp định tối ưu và có hiệu quả nhất và đã được chứng minh khi hiệp định có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Nhưng thực sự sức lan toả của hiệp định này theo tôi đánh giá đến nay mới được khoảng 60%. Những doanh nghiệp đã tận dụng được lợi thế hiệp định, thực hiện các lô hàng xuất khẩu đi châu Âu ngay khi hiệp định có hiệu lực là những doanh nghiệp nhạy bén hơn, còn một số doanh nghiệp chưa tận dụng được. Tôi nghĩ, ngành Hải quan cũng nên tập trung đưa các thông điệp trong hiệp định có liên quan đến hoạt động thương mại đến với số 40% doanh nghiệp còn lại. Với việc nắm bắt kịp thời các thông tin, đặc biệt là thông tin thuế quan từ hiệp định, doanh số xuất khẩu sẽ tăng cao hơn nhiều so với hiện nay. Nhưng chúng ta chỉ nói đầu ra, chưa nói đầu vào là nhập khẩu. Hiện nay, mặc dù khống chế được dịch bệnh, nhưng doanh nghiệp Việt Nam cũng đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhu cầu, sức mua còn hạn chế, nên hàng hoá nhập khẩu cũng chưa dồi dào. Nếu cán cân thương mại chênh lệch quá dẫn đến xuất siêu nhiều, một số nước cũng xem xét đến việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Như vậy, với vai trò là người giám sát, là trọng tài trong hoạt động xuất nhập khẩu, tôi nghĩ không chỉ riêng Tổng cục Hải quan, các cục hải quan nên tiếp tục tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu được hưởng các quyền lợi ưu đãi hài hoà. Ông đánh giá thế nào về công tác hỗ trợ của cơ quan Hải quan đối với hoạt động thương mại của doanh nghiệp trong thời gian qua? - Qua thông tin của nhân viên đi làm thủ tục hải quan tôi thấy đã bớt đi nhiều thủ tục rườm rà trước kia. Họ rất ngạc nhiên về sự đổi mới chính sách của Chính phủ, đổi mới cung cách phục vụ của cơ quan Hải quan từ cấp Tổng cục đến cục hải quan địa phương, đặc biệt là Hải quan TPHCM, nơi doanh nghiệp chúng tôi thường xuyên làm thủ tục. Chính sự thay đổi này đã khiến cho doanh nghiệp nhận thấy gần gũi, đồng hành của cơ quan Hải quan. Sự thay đổi này thể hiện rõ tại các hội thảo gần đây do Cục Hải quan TPHCM tổ chức cho thấy, tiếng khen đã rất nhiều, tiếng phàn nàn dần ít đi. Là doanh nghiệp, chúng tôi mong muốn, ngành Hải quan nói chung, Cục Hải quan TPHCM nói riêng tiếp tục đổi mới hơn nữa, cải cách hơn nữa để doanh nghiệp được hưởng thụ các ứng dụng quản lý hiện đại, giảm chi phí và thời gian thông quan cho hàng hoá xuất nhập khẩu. Sau dịch bệnh, các doanh nghiệp đều xuất phát từ một điểm, nhưng Việt Nam có lợi thế hơn các nước khác là khống chế thành công, ổn định dịch bệnh rất sớm, nối lại các đường bay và hoạt động bình thường trong nước... kích đẩy sức mua tăng lên, tạo đà cho doanh nghiệp phát triển đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Doanh nghiệp và cơ quan Hải quan hợp lực cùng nhau để phát triển, nhất là ngành Hải quan, với nhiệm vụ thu ngân sách, áp lực rất lớn vì không được tận thu, không được để thất thu ngân sách. Vậy về phía doanh nghiệp, theo ông cần làm gì để tận dụng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA? - Tôi rất ủng hộ hiệp định này vì đôi bên cùng có lợi, chúng ta thấy lợi trước mắt là hàng hoá xuất khẩu như da giày, thuỷ sản, thực phẩm, nông sản, trái cây... đã ồ ạt được xuất khẩu qua châu Âu. Đổi lại nhiều hàng hoá từ châu Âu về Việt Nam cũng sẽ tăng lên. Là doanh nghiệp đã từng làm ăn với rất nhiều công ty nước ngoài, tôi chỉ có ý kiến đó là: Chúng ta phải giữ vững chất lượng hàng hoá, chúng ta không thể chào bán hôm nay mặt hàng như thế này, nhưng khi xuất khẩu chất lượng lại giảm xuống còn 60-70%. Uy tín của mình không thể mua được mà phải do chính mình tạo ra. Đối với doanh nghiệp của tôi, tôi luôn quan niệm tay trái là chữ Tâm, tay phải là chữ Tín, phải luôn giữ tốt chữ tín. Làm ăn, quan hệ với doanh nghiệp nước ngoài, họ không cho mình cơ hội để sửa sai nhiều lần, chỉ một lần sai là họ đã nghĩ, đã đặt vấn đề về chuyện gian dối, ảnh hưởng đến suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp với đối tác. Có nghĩa là phản ứng tự vệ của họ rất mạnh so với người Việt, người Việt thì dễ tha thứ hơn cho những sai lầm. Vì lẽ đó, khi tham gia các FTA, công ty xuất khẩu phải chữ tín, đặt chất lượng như đã cam kết với đối tác. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng nên thận trọng với giá cả bán hàng. Không nên thấy cơ hội là tăng giá bán, nên áp dụng theo tỷ giá, khi có sự biến động tỷ giá lớn doanh nghiệp hãy đề cập đến việc tăng giá, không nên tăng vì những lý do không phổ biến sẽ làm cho đối tác hoài nghi. Bởi vì, các doanh nghiệp châu Âu rất coi trọng vấn đề ổn định giá cả thị trường, chứ không để xáo trộn trong thời gian ngắn. EVFTA sẽ là động lực để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu sau đại dịch Covid-19 nhưng để tận dụng cơ hội, doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao chất lượng hàng hóa, năng lực sản xuất để đáp ứng điều kiện xuất khẩu vào thị trường tiềm năng nhưng khó tính này. EVFTA cũng là cơ hội để doanh nghiệp định vị lại chiến lược kinh doanh, xác lập hình ảnh doanh nghiệp và trách nhiệm xã hội. Một vấn đề rất cần các doanh nghiệp quan tâm nữa là yếu tố cam kết phát triển bền vững, trong đó: bảo vệ người lao động và bảo vệ môi trường là điều rất cần thiết để sản phẩm của doanh nghiệp được chấp nhận tại châu Âu. Với xu hướng đa dạng hóa nguồn cung và dịch chuyển dòng vốn đầu tư hiện nay, cùng lợi thế từ EVFTA, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi tăng sức hấp dẫn, khả năng cạnh tranh, tiến đến thiết lập chuỗi cung ứng với EU. Và cuối cùng, theo tôi, EVFTA không hoàn toàn là cứu cánh, những ưu đãi từ Hiệp định chỉ được xem là yếu tố hỗ trợ mà thôi, tiên quyết vẫn phải là nội lực doanh nghiệp và quyết tâm đổi mới chính mình. Điều quan trọng là các doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy tiếp cận toàn cầu. Xin cảm ơn ông! |