发布时间:2025-01-09 23:58:17 来源:88Point 作者:World Cup
Là một trong những xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của huyện Đầm Dơi, Tân Dân đang tận dụng tất cả các điều kiện sẵn có cộng với sự cần cù của người dân trong lao động sản xuất để vươn lên.
Thoát nghèo bền vững
Nhìn đàn dê giống hơn chục con sau nhà, ông Trần Quang Dũng, ấp Tân Phú, phấn khởi: “Nhờ nuôi dê mà gia đình thoát được nghèo, có cuộc sống ổn định như hôm nay”. Từng là hộ nghèo, không đất sản xuất, năm 2006, chính quyền địa phương xem xét cho mượn đất hỗ trợ cất nhà và hướng dẫn các mô hình kinh tế để cải thiện cuộc sống, ông Dũng tích cực tìm hiểu, nghiên cứu các mô hình phù hợp để phát triển kinh tế gia đình. Ông Dũng chia sẻ: “Hiện đàn dê giống của gia đình có 14 con, mỗi năm một con dê giống sẽ cho ra bốn dê con, tính trung bình mỗi năm cũng có trên 50 dê con để bán. Tiền thu nhập từ đàn dê cộng với buôn bán nhỏ mỗi năm trên 130 triệu đồng”.
Ông Trần Quang Dũng từ hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo bền vững với thu nhập hơn 130 triệu đồng/năm nhờ nuôi dê và buôn bán nhỏ. |
Nghề nuôi dê đang phát triển tại xã Tân Dân bởi đầu ra ổn định, giá cao, hơn nữa lại ít tốn chi phí do chỉ cần tận dụng các loại cây, cỏ sau nhà là có thể nuôi được. Chị Nguyễn Thị Nhi, hội viên Chi hội Phụ nữ ấp Tân Phú là một trong những người có đàn dê nhiều nhất trong ấp, chia sẻ: “Tôi nuôi dê trên mười năm nay, lúc đầu chỉ nuôi một ít thử nghiệm, nhưng thấy hiệu quả nên áp tôi dụng đến nay”. Hiện đàn dê trong chuồng nhà chị Nhi còn trên 30 con cả dê thịt và dê đẻ.
Theo chị Nhi, mỗi cặp dê giống bán ra tuỳ thời điểm có giá từ 4,5-5 triệu đồng và đầu ra rất ổn định. Tuy chỉ là mô hình phụ nhưng mỗi năm lại đem về cho gia đình chị nguồn thu ổn định trên 100 triệu đồng. Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Dân Trịnh Hoàng Cung cho biết: “Nông dân xã có truyền thống cần cù, chịu khó làm ăn nên hầu hết các mô hình kinh tế được áp dụng tại địa phương đều phát huy hiệu quả tốt. Người dân không chỉ chăm bẳm vào nuôi tôm mà họ luôn chủ động áp dụng các hình thức kinh tế khác để tăng thu nhập, vươn lên làm giàu. Những năm qua, số hộ nghèo trong xã giảm rõ rệt, đời sống kinh tế, xã hội của địa phương không ngừng được nâng lên. Những căn nhà tường khang trang được người dân xây dựng ngày càng nhiều, làm cho diện mạo nông thôn Tân Dân ngày một khởi sắc”.
Phá thế độc canh
Chủ tịch UBND xã Tân Dân Nguyễn Như Vàng cho biết: “Tân Dân có điểm thuận lợi là người dân rất ủng hộ các chính sách phát triển kinh tế của chính quyền địa phương. Đặc biệt là nghị quyết của Đảng uỷ, HĐND xã về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội phát huy hiệu quả tích cực. Qua đó, Tân Dân đã phát triển đa dạng về cơ cấu cây trồng, vật nuôi và được chuyển đổi phù hợp với điều kiện sản xuất của xã. Người dân không chỉ nuôi tôm mà còn kết hợp nuôi xen với cua, cá, sò huyết... và các mô hình đa cây, đa con khác”.
Năm 2015, Tân Dân có nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó có những vật nuôi mới đã và đang được bà con áp dụng rộng rãi. Mô hình nuôi sò huyết thương phẩm đang trở thành phong trào được người dân áp dụng rộng rãi. Hiện xã có 50 hộ nuôi sò huyết, kết quả điều tra từng hộ cho thấy bà con đều có lãi, mang lại thu nhập ổn định. Mô hình nuôi cá sấu cũng đang phát huy hiệu quả và mang lại thu nhập cao cho người dân.
Chủ tịch UBND xã Tân Dân Nguyễn Như Vàng khẳng định: Thời gian tới, tận dụng lợi thế của địa phương, xã chỉ đạo mở rộng diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến. Về tôm công nghiệp, xã không khuyến khích mở rộng mà tạo mọi điều kiện để phát huy hiệu quả diện tích nuôi hiện có. Đặc biệt, tiếp tục nhân rộng các mô hình đa cây, đa con, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào các ngành nghề truyền thống, mở rộng hình thức mua bán, ngành nghề sản xuất kinh doanh nhằm giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi lao động ở địa phương để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân. |
Ông Nguyễn Văn Đấu, ấp Tân Thành A, là một trong những người đi đầu trong phong trào này của xã. Ông Đấu cho biết: “Đợt qua tôi nuôi 700 con cá sấu, do giá cả ổn định và đầu ra tốt nên thu nhập cũng được vài trăm triệu đồng. Hiện gia đình đang tiếp tục áp dụng mô hình này để tăng thêm thu nhập ngoài con tôm”.
Ông Huỳnh Văn Một, ấp Tân Phú, cho biết: “Gia đình có 3 ha nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp nuôi cua, mỗi năm cho thu nhập hơn 200 triệu đồng. Tuy nhiên, để không phụ thuộc vào con tôm nên gia đình nuôi thêm cá sấu".
Hay như ông Đào Văn Thông, hội viên nông dân ấp Tân Long B, là nông dân sản xuất giỏi nhiều năm liền. Chỉ với 2,5 ha đất vuông được áp dụng đa canh, mỗi năm thu nhập của gia đình trên một tỷ đồng. Trong đó, ông cải tạo hai đầm nuôi tôm công nghiệp có diện tích 0,6 ha, phần còn lại nuôi tôm quảng canh kết hợp nuôi cua chứ không phụ thuộc vào tôm công nghiệp.
Chủ tịch UBND xã Tân Dân Nguyễn Như Vàng thông tin: “Mặc dù lâu nay con tôm vẫn là thế mạnh của xã, nhưng chủ trương là phải phá thế độc canh con tôm, tận dụng tối đa những lợi thế của địa phương để phát triển đa dạng các mô hình kinh tế khác. Khi triển khai các mô hình kinh tế, chúng tôi điều tra, đánh giá hiệu quả từng mô hình để rút kinh nghiệm. Mô hình nào hiệu quả sẽ được triển khai nhân rộng, mô hình nào chưa hiệu quả sẽ đánh giá lại, tìm ra nguyên nhân để từ đó quyết định xem có tiếp tục triển khai hay dừng lại. Nhờ vậy mà phần lớn các mô hình kinh tế của xã đều phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho bà con”.
Điển hình năm 2015, Tân Dân được UBND tỉnh phân bổ 65 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ phát triển sản xuất và dịch vụ. Theo đó, Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới của xã kết hợp với nguồn vốn đối ứng của mười hộ dân triển khai mô hình chăn nuôi heo sử dụng đệm lót sinh học. Kết quả có đến 95% số hộ trên nuôi đạt hiệu quả cao, khi xuất chuồng lợi nhuận bình quân 2,5 triệu đồng/con.
Việc áp dụng nhiều mô hình sản xuất đa cây, đa con hiệu quả tốt nhất là nhờ chính quyền địa phương tích cực chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất cho nông dân. Năm qua, xã tổ chức mười lớp tập huấn kiến thức nuôi trồng thuỷ sản, thu hút hơn 321 người tham gia và ba lớp tập huấn kỹ thuật chọn giống tôm nuôi công nghiệp... Nhìn chung, các lớp tập huấn được bà con rất đồng tình ủng hộ và nhiệt tình tham gia.
Những năm gần đây, đời sống kinh tế của người dân ở Tân Dân phát triển khá tốt. Công tác xoá đói giảm nghèo được thực hiện theo nhiều phương pháp, trong đó đặc biệt chú trọng đến giáo dục ý thức tự vươn lên của người dân song song với các biện pháp hỗ trợ khác như: vốn, con giống, kỹ thuật, cất Nhà Đại đoàn kết. Nhờ có sự đồng lòng của chính quyền địa phương và người dân, Tân Dân có bước phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo của xã tính theo chuẩn mới chỉ còn 2,4%./.
Bài và ảnh: Khánh Duy
相关文章
随便看看