Hải quan tham gia hoàn thiện nhiều chính sách pháp luật chuyên ngành | |
Sẽ thay đổi căn bản mô hình kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất nhập khẩu | |
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Cải cách kiểm tra chuyên ngành phải vừa tạo thuận lợi vừa chống gian lận thương mại |
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Q.H |
Tham dự có Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, Ủy viên Ủy ban 1899; Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành, đại diện Cơ quan Thường trực Ủy ban 1899 và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.
Trên 2,8 triệu hồ sơ kết nối NSW
Trình bày báo cáo tại cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành- đại diện Cơ quan Thường trực Ủy ban 1899 cho biết, đến ngày 31/1/2020, NSW đã có 188 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối, với trên 2,8 triệu hồ sơ của khoảng trên 35.000 doanh nghiệp.
Năm 2019, các bộ ngành phải hoàn thành triển khai 61 thủ tục hành chính mới. Trong tổng số 61 thủ tục hành chính cần triển khai mới của năm 2019, các bộ, ngành đề xuất điều chỉnh số lượng triển khai 10 thủ tục. Như vậy, thủ tục phải triển khai năm 2019 là 51 thủ tục.
Đến nay, các bộ, ngành đã triển khai chính thức và thực hiện kết nối 37/51 thủ tục chiếm 72,5%. Trong đó triển khai được 15/51 thủ tục, chiếm 29,4%; đang kết nối và kiểm thử 22/51 thủ tục, chiếm 43,1%); chưa khởi động thực hiện 14 thủ tục của Bộ Y tế chiếm 27,5% (14/51).
Thời gian qua, với vai trò là Cơ quan thường trực, năm 2019, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã hoàn thành xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 quy định thực hiện thủ tục hành chính theo Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020); đề xuất Thủ tướng Chính phủ chương trình triển khai Nghị định số 85 để chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện thống nhất.
Đồng thời, Bộ Tài chính đang hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về việc kết nối và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chính phủ với các bên liên quan thông qua Cơ chế một cửa quốc gia trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa.
Đến 31/1/2020, một số bộ, ngành đã hoàn thành NSW. Đơn cử như các Bộ: Khoa học và Công nghệ đã hoàn thành triển khai các thủ tục hành chính (6 thủ tục); Giao thông vận tải đã hoàn thành triển khai các thủ tục hành chính (72 thủ tục và 18 thủ tục liên ngành).
Các Bộ Công an đã triển khai 2 thủ tục (trong năm 2019 không kết nối chính thức thêm thủ tục mới); Bộ Công Thương đã triển khai 11 thủ tục (trong năm 2019 không kết nối chính thức thêm thủ tục mới); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai 17 thủ tục qua Cơ chế một cửa quốc gia (trong năm 2019 kết nối chính thức thêm 02 thủ tục mới).
25 nhóm sản phẩm, hàng hóa còn chồng chéo KTCN
Về công tác cải cách KTCN, báo cáo cũng nêu rõ, năm 2019, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành tổ chức các đợt làm việc tập trung để rà soát vướng mắc, bất cập trong công tác KTCN; rà soát nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 2026/QĐ-TTg; 1254/QĐ-TTg và bàn giải pháp thực hiện.
Trên cơ sở phối hợp rà soát với các bộ, ngành, ngày 30/5/2019, Bộ Tài chính có công văn số 6208/BTC-TCHQ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc hàng hóa còn chồng chéo trong KTCN.
Cụ thể, hiện có 25 nhóm sản phẩm, hàng hóa (tương đương với 1.012 dòng hàng tính theo mã số HS ở cấp độ 8 chữ số, tương ứng với 1.501 mặt hàng được chi tiết theo tên hàng cụ thể) còn chồng chéo trong KTCN; cùng lúc phải thực hiện nhiều thủ tục, hình thức trong quản lý/KTCN. Cũng tại công văn số 6208/BTC-TCHQ, Bộ Tài chính đã đề xuất giải pháp để tháo gỡ tình trạng trên.
Trên cơ sở báo cáo của Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ có công văn số 7957/VPCP-KSTT thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung đầu mối trong thực hiện kiểm tra chuyên ngành đối với một mặt hàng. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, ngành chủ trì xử lý đối với từng nhóm hàng cụ thể, trong đó giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất giải pháp đối với mặt hàng tời điện và nồi hơi.
Trên cơ sở phối hợp rà soát với các Bộ, ngành, đầu tháng 12/2019, Bộ Tài chính có công văn số 1457/BTC-TCHQ gửi lấy ý kiến các Bộ: Giao thông vận tải, Lao động- Thương binh và Xã hội, Công Thương để thống nhất trước khi trình Thủ tướng Chính phủ về phương án xử lý đối với mặt hàng tời điện và nồi hơi. Tuy nhiên đến nay, Bộ Tài chính chưa nhận được ý kiến tham gia của Bộ Giao thông vận tải về nội dung này.
Báo cáo cũng nêu rõ, một số bộ, ngành còn thiếu quyết liệt và khẩn trương trong triển khai các nhiệm vụ để cải cách toàn diện hoạt động KTCN; thiếu sự trao đổi và chia sẻ thông tin giữa cơ quan KTCN và cơ quan Hải quan nên dẫn đến khó khăn cho quá trình thực hiện.
Mặt khác, chưa áp dụng thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng hàng xuất khẩu, nhập khẩu; hoặc đã áp dụng nhưng chưa hiệu quả.
Nhiều bộ ngành chậm ban hành các thông tư hướng dẫn hoặc ban hành thông tư không đúng chỉ đạo của Chính phủ gây khó khăn cho doanh nghiệp và các cơ quan liên quan trong quá trình thực hiện.
Báo Hải quan sẽ tiếp tục cập nhật các thông tin tại cuộc họp.
Về triển khai Cơ chế một cửa ASEAN và kết nối ngoài ASEAN, hiện Việt Nam đã kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với 8 nước ASEAN gồm: Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Brunei, Campuchia, Myanmar và Lào. Tính đến ngày 31/1/2020, có 165.061 C/O Việt Nam nhận từ các nước ASEAN, 201.652 C/O Việt Nam gửi sang các nước. Liên quan đến kết nối với đối tác ngoài ASEAN, Bộ Tài chính đã hoàn thành việc kiểm thử kỹ thuật kết nối và trao đổi thông điệp thử nghiệm tờ khai hải quan xuất khẩu với Liên minh kinh tế Á - Âu song song với việc thiết lập kênh kết nối an toàn; đàm phán để trao đổi thông tin C/O điện tử với Hàn Quốc; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu về đề xuất trao đổi chứng nhận kiểm dịch điện tử của Niu-di-lân; Phối hợp thử nghiệm công nghệ Chuỗi khối trong tiếp nhận thông tin chứng nhận xuất xứ từ Hải quan Hàn Quốc. |