Doanh nghiệp FDI vẫn đang lỗ 400.000 tỷ đồng Câu chuyện trốn thuế, chuyển giá của các doanh nghiệp gần đây lại trở nên “nóng hổi” khi báo cáo Kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018 của Kiểm toán Nhà nước được công bố. Trong báo cáo, Kiểm toán chỉ ra vẫn còn tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và lợi nhuận còn lại phải nộp ngân sách nhà nước… còn xảy ra tại nhiều doanh nghiệp. “Kiểm toán Nhà nước xác định số phải nộp ngân sách nhà nước năm 2018 tăng thêm 8.151 tỷ đồng, trong đó kiến nghị về thuế nội địa là 3.217 tỷ đồng. Qua đối chiếu thuế, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị nộp vào ngân sách nhà nước tăng 861 tỷ đồng tại 1.778 doanh nghiệp” - ông Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết trên nghị trường. Thực tế này cũng được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách chỉ ra trong một bản báo cáo nghiên cứu "Trốn và tránh thuế của thuế thu nhập doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam" được công bố mới đây. Báo cáo này nhận định, chuyển giá của doanh nghiệp FDI ngày càng gia tăng và phức tạp. “Có đến trên 60% doanh nghiệp FDI vẫn còn lỗ lũy kế với giá trị lỗ lũy kế là gần 400.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong số này có rất nhiều các doanh nghiệp vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh, trong đó có nhiều ‘ông lớn’ trên thế giới kinh doanh tại Việt Nam” – báo cáo dẫn chứng một vài con số thống kê được. Bình luận về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng: Thông qua chuyển giá, doanh nghiệp FDI có nhiều lợi thế tài chính hơn so với doanh nghiệp nội địa, làm nảy sinh cạnh tranh bất bình đẳng, khiến doanh nghiệp “nội địa” mất thị phần, thậm chí có những doanh nghiệp liên doanh bị thôn tính và trở thành doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài. Hơn 60 nghìn lượt doanh nghiệp vi phạm mỗi năm Những con số trên những tưởng đã lớn, song, trên thực tế, số tiền Kiểm toán Nhà nước kiến nghị tăng thu vào ngân sách nhà nước qua việc đối chiếu thuế vẫn còn rất nhỏ bé so với số tiền vi phạm của doanh nghiệp do ngành Thuế phát hiện qua thanh tra, kiểm tra. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền Hỗ trợ người nộp thuế, Tổng cục Thuế cho hay: Trong những năm qua, ngành Thuế đã có rất nhiều biện pháp quản lý thuế, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, đặc biệt là việc lợi dụng chuyển giá để trốn tránh thuế. Thống kê cho thấy, giai đoạn 2010 - 2018, qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, cơ quan Thuế các cấp đã phát hiện trên 642.400 lượt doanh nghiệp vi phạm về thuế thu nhập doanh nghiệp với số tiền vi phạm hơn 35.900 tỷ đồng, giảm lỗ là 185.000 tỷ đồng. Chỉ riêng năm 2018, cơ quan Thuế thực hiện gần 96.000 cuộc thanh tra, kiểm tra thuế, xử lý về thuế trên 62.000 tỷ đồng, trong đó số thuế truy thu vào ngân sách nhà nước gần 19.000 tỷ đồng; giảm lỗ gần 41.000 tỷ đồng. “Riêng năm 2019, cơ quan Thuế đã thực hiện khoảng 96.240 cuộc thanh tra, kiểm tra trực tiếp tại doanh nghiệp và kiểm tra hơn 517.550 hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp tại trụ sở cơ quan Thuế, đã kiến nghị xử lý 64.525 tỷ đồng, trong đó tăng thu cho ngân sách nhà nước 18.875 tỷ đồng; giảm khấu trừ 2.701 tỷ đồng, giảm lỗ 42.948 tỷ đồng”- ông Huy nói. Để chống gian lận thuế, trốn thuế ngày càng diễn biến phức tạp, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, cơ quan Thuế dựa trên kinh nghiệm thực tiễn kết hợp với việc áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin và bộ tiêu chí đánh giá rủi ro, rà soát các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, tập trung vào ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro, ngành nghề kinh doanh mới, doanh nghiệp có giao dịch liên kết, có dấu hiệu chuyển giá; doanh nghiệp kinh doanh lỗ nhiều năm liên tục, hồ sơ hoàn thuế lớn để xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, phấn đấu thực hiện thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp đạt tối thiểu 19% số doanh nghiệp đang hoạt động. Ngoài ra, cơ quan Thuế còn tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan chức năng như Công an, cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng và các cơ quan ban ngành khác triển khai thực hiện quy chế phối hợp để đấu tranh chống các hành vi trốn thuế, gian lận thuế, tội phạm về thuế; đẩy mạnh công tác trao đổi nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra; tích cực đôn đốc doanh nghiệp thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ. Ở góc độ chuyên gia, bà Nguyễn Thị Cúc bày tỏ hi vọng rằng: Những nỗ lực của cơ quan Thuế, kiểm toán, thanh tra cùng với những quy định mới của Luật Quản lý thuế (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/7/2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành đang được Chính phủ và Bộ Tài chính xây dựng (trong đó có Nghị định 20/2017/NĐ-CP về chống chuyển giá) sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng gian lận thuế, trốn thuế vốn được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm khi thảo luận về việc quyết toán ngân sách nhà nước nói chung và quyết toán ngân sách năm 2018 nói riêng diễn ra sắp tới. |