游客发表
发帖时间:2025-01-09 23:55:11
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cà Mau Triệu Quang Lợi cho biết, có thể kể ra các địa phương điển hình có đông đồng bào Khmer sinh sống như: Ấp Đường Đào, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình; ấp Cơi 5A, ấp Cơi 5B, xã Khánh Bình Tây; ấp 5, xã Khánh Bình Đông của huyện Trần Văn Thời. Đây là những điểm sáng thể hiện được tiềm năng lao động, sức sáng tạo của đồng bào người Khmer trong phát triển kinh tế gia đình, cùng góp sức xây dựng quê hương.
Tập quán sinh sống và đặc điểm phân bố dân cư của người Khmer nói chung thường lựa chọn không gian nông thôn. Cà Mau không là ngoại lệ khi tỷ lệ người Khmer định cư, làm ăn ở các đô thị chiếm một phần rất nhỏ. Cũng chỉ ở những vùng nông thôn, người Khmer mới phát huy hết tố chất lao động nông nghiệp, xây dựng được không gian văn hoá cố kết cộng đồng đặc trưng và giữ gìn những nét văn hoá truyền thống.
Nhiều đổi thay
Nhưng cũng từ đặc điểm này, xuất phát điểm của đa phần đồng bào thường có đời sống rất khó khăn. Ðiều kiện giao thông, phát triển sản xuất, tiếp cận với tri thức khoa học hạn chế… tạo ra muôn vàn sức cản cho sự phát triển. Thực tế, những năm trước đây, giải bài toán đời sống cho người Khmer không hề đơn giản, có chỗ, có lúc gần như lâm vào thế bế tắc.
Chị Huỳnh Thị Lịnh từ đôi bàn tay trắng giờ đã thoát nghèo và mong muốn có điều kiện để vươn lên làm giàu. |
Vùng đồng bào Khmer Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời từng được coi là "cái rốn" của sự khó khăn, nghèo đói. Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây Lý Thanh Phong thông tin: “Cơi 5A, Cơi 5B tập trung đông đồng bào Khmer sinh sống nhất trên địa bàn. Toàn xã có 428 hộ người Khmer với gần 2.000 khẩu, 2/3 số này không đất sản xuất hoặc cầm cố đất đai. Có lúc tỷ lệ hộ nghèo lên đến trên 30%”. Thời điểm Khánh Bình Tây còn hạn chế về giao thông, sản xuất nông nghiệp lạc hậu, năng suất thấp, các chính sách cho đồng bào dân tộc còn ít, người Khmer nơi đây từng chỉ mơ làm sao đủ ăn, đủ mặc.
Theo lời ông Phong, nhà ở, đất đai sản xuất, vốn làm ăn cũng chỉ có thể giải quyết được phần ngọn của vấn đề, cái chính yếu nhất vẫn là tác động vào nhận thức của bà con. Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, người Khmer cũng đã hiểu ra chân lý: "Cuộc sống của mình do chính bản thân mình quyết định". Không còn sự ỷ lại, không còn sự thụ động trông chờ, người Khmer Khánh Bình Tây dùng chính sức lao động của mình để thay đổi tất cả.
Tại Khánh Bình Tây, người Khmer tự hào rằng có những hộ kinh tế thuộc hàng giàu có, nhiều nhà treo đầy những tấm bằng đại học. Có những hộ từ tay trắng vươn lên thoát nghèo, quay trở lại giúp đỡ những người khó khăn hơn. Ông Phong thống kê: “Số hộ nghèo và cận nghèo đã giảm phân nửa. Ðiều đáng nói là không khí làm ăn của bà con phấn khởi lắm”. Người Khmer ở đây đã xây dựng được làng nghề khô cá bổi, hình thành những cánh đồng đậu xanh trên đất ruộng, buôn bán nhỏ, chăn nuôi… Trong thời gian ngắn, vùng nghèo ngày xưa nay đã thay da đổi thịt.
Ước mong mãnh liệt
Trưởng Ban Nhân dân ấp Cơi 5B Trần Văn Hữu chia sẻ chân tình: “Thấy không, giờ có nơi cũng chưa đường sá gì, bà con nói chung còn khó khăn, nhưng riêng đồng bào Khmer tôi lại thấy khác”. Ông Hữu cũng là lão nông chính gốc, từ Bến Tre về đây lập nghiệp trên 20 năm. Nhớ ngày mới về, ông Hữu bằng tình nghĩa xóm làng, với vai trò Trưởng Ban Nhân dân ấp, đã cùng với bà con sát cánh làm ăn. Trên đồng ruộng ấp Cơi 5B giờ là những vụ lúa trĩu bông, xen canh những cánh đồng đậu xanh năng suất rất khá. Theo ông Hữu, 1 công đậu xanh lời có khi đến 5-6 triệu đồng, người Khmer không đất được tạo điều kiện cho mướn đất để trồng trọt. Ngoài ra, việc chăn nuôi, buôn bán nhỏ và hoạt động các làng nghề đảm bảo vững chắc cuộc sống cho bà con.
Ông Trần Văn Hữu khẳng định, “Ở đất này, ai chịu lao động, có ý chí vươn lên thì không có chuyện đói nghèo đâu”. Bà con Khmer Cơi 5B giờ đã trở thành điểm sáng để cộng đồng người Khmer toàn tỉnh học tập. Từ chỗ ấp đặc biệt khó khăn của xã, nay bà con khá giả ngày càng nhiều, đặc biệt là chuyện chăm lo cho con cái học hành hết sức được quan tâm. Ở một ấp mà trước đây trên 100 hộ đồng bào, 2/3 số này không đất hoặc cầm cố đất, tỷ lệ nghèo có khi lên trên phân nửa, sự thay đổi này là thật sự ngoạn mục.
Chồng chết, một mình chị Trương Út Thanh nuôi 2 đứa con trai tốt nghiệp đại học, đứa con gái út đang học lớp 7. Chị Thanh chia sẻ: “Vợ chồng tôi ra riêng được chia 7 công ruộng, nhờ tằn tiện làm ăn rồi mua thêm”. Chị rất quyết tâm để con cái được ăn học đàng hoàng, bù lại sự thua thiệt của cha mẹ trước đây. Hai tấm bằng cử nhân loại khá là mùa quả ngọt mà chị ngày đêm ao ước. Chị Út Thanh cũng là người năng nổ trong việc động viên, giúp đỡ những gia đình người Khmer khó khăn lân cận. Với thu nhập trên dưới 100 triệu/năm, chị Thanh tin tưởng rằng: “Tôi thấy thoát khỏi cái nghèo không quá khó, ăn thua là mình quyết tâm nỗ lực, chớ đâu ai có thể giúp mình hoài được”.
Ðối với chị Huỳnh Thị Lịnh, hành trình thoát nghèo quả thật vô cùng gian nan. Chị tâm sự: “Cả nhà đâu biết làm gì ngoài mần thuê, mần mướn. Lúc con cái còn nhỏ, nhà chạy ăn từng bữa, nghĩ rằng cái nghèo sẽ bám riết”. Rồi với quyết tâm thoát nghèo, chị Lịnh cùng chồng đã tự xoay vốn buôn bán nhỏ, chăn nuôi thêm, rồi con cái lớn lên đi làm phụ giúp thêm, gia đình đã “dễ thở” hơn. Chị mong muốn: “Nếu được hỗ trợ vốn, tôi sẽ mở rộng việc buôn bán, làm ăn. Giờ phải tính toán thôi, nghèo thì thiệt thòi, xấu hổ lắm”. Từ chỗ chạy ăn từng bữa, những người Khmer Khánh Bình Tây đã tự tin với khát vọng làm giàu chính đáng của mình. Sự thay đổi này, vận hội mới này cũng chính là chìa khoá để cộng đồng người Khmer Cà Mau tiếp tục vươn lên./.
Bài và ảnh: Phạm Quốc Rin
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接