【lịch bóng đá mai】Có nên yêu cầu Google, Facebook đặt trụ sở tại Việt Nam?
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật An ninh mạng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, về bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng đối với DN nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam còn nhiều ý kiến khác nhau.
Trong đó, nhiều ý kiến nhất trí là bắt buộc các DN nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam tại Việt Nam.
Một số ý kiến không nhất trí với quy định này, vì cho rằng khó bảo đảm tính khả thi, không đúng với thực tiễn, gia tăng chi phí của DN nước ngoài, gây khó khăn cho các hoạt động tiếp cận thông tin và trái với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên... nên đề nghị nghiên cứu phương pháp quản lý khác cho phù hợp.
Sau khi cân nhắc nhiều mặt, đồng thời tham khảo các quy định tương tự của pháp luật một số nước là thành viên của WTO, UBTVQH chỉnh lý như sau: Về yêu cầu đặt máy chủ quản lý dữ liệu trên lãnh thổ Việt Nam, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã chỉ đạo không quy định nội dung này trong dự thảo Luật để bảo đảm tính khả thi và thuận lợi cho hoạt động của các DN nước ngoài khi cung cấp dịch vụ vào Việt Nam.
Về yêu cầu đặt cơ quan đại diện và lưu trữ dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam, UBTVQH đề nghị giữ lại nội dung này trong dự thảo Luật và ghép với quy định tương tự đối với DN trong nước để chỉnh lý thành khoản 2 Điều 26 dự thảo Luật đã chỉnh lý.
Cho ý kiến về vấn đề này, ĐB Phạm Thị Thanh Thủy (Thanh Hóa) nêu quan điểm: Việc yêu cầu đối với các cơ quan, tổ chức nước ngoài khi cung cấp dịch vụ trên không gian mạng tại Việt Nam phải đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam là khó khả thi, không phù hợp với tình hình thực tiễn, làm gia tăng chi phí của DN và gây khó khăn cho các hoạt động tiếp cận thông tin của người dân Việt Nam trong trường hợp các DN nước ngoài không thực hiện việc đặt trụ sở hoặc Văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Hiện nay các máy chủ của các dịch vụ mà nhiều người Việt Nam sử dụng thường xuyên như Google, Facebook đều đặt tại nước ngoài. Với công nghệ phát triển hiện nay máy chủ không phải là máy cụ thể mà theo thuật toán đám mây, máy chủ là máy ảo cho phép người sử dụng truy cập các dịch vụ công nghệ từ nhà cung cấp nào đó và xu hướng này là xu hướng của thế giới trong đó có nước ta.
Từ thực tiễn này, việc yêu cầu DN nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải đặt cơ quan đại diện, văn phòng đại diện tại Việt Nam nhằm quản lý máy chủ, quản lý dữ liệu người sử dụng tại Việt Nam là khó khả thi.
Trong khi đó, ĐB Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cho rằng quy định này sẽ hữu ích nếu thực hiện được nhằm kiểm soát dữ liệu người dùng, phục vụ điều tra, ngăn chặn, phòng chống tội phạm, chống xuyên tạc, phản động.
Theo báo cáo của Ủy ban Quốc phòng an ninh, việc đặt trụ sở tại văn phòng đại diện sẽ gắn nghĩa vụ, trách nhiệm của các DN nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong việc phối hợp, cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ điều tra, xác minh, xử lý vi phạm liên quan đến người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam bảo đảm tính khả thi khi phối hợp, ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin chống Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật của Việt Nam, ngăn chặn có hiệu quả hoạt động chống phá của các đối tượng phản động, gián điệp trong và ngoài nước sử dụng không gian mạng.
Các vị đại biểu Quốc hội thấy rằng an ninh mạng, không gian mạng trong thời gian vừa qua và sắp tới rất phức tạp và ngày càng phức tạp. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước, Bộ Chính trị đã quyết định thành lập Bộ tư lệnh tác chiến không gian mạng ở Bộ Quốc phòng. Đây là vấn đề hết sức quan trọng và kẻ địch đang lợi dụng và triệt để lợi dụng việc này để chống phá ta thì không có lý do gì mà chúng ta lại buông lỏng việc này.
Trong luật cũng quy định rất rõ các DN và dữ liệu này chỉ liên quan đến quốc phòng, liên quan đến an ninh, chứ không phải tất cả, những việc này phục vụ thiết thực cho đất nước.