Làm gì để tránh bị ngân hàng ép mua thừa bảo hiểm khi vay vốn?àmgìđểtránhbịngânhàngépmuathừabảohiểmkhivayvốkeo bongdanet
Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn
Việc các ngân hàng bán chéo các sản phẩm bảo hiểm (bancassurance) là rất phổ biến trên thị trường dịch vụ tài chính. Tuy vậy, có không ít ngân hàng lợi dụng vị thế của mình để chèn ép bên đi vay, phổ biến nhất là khách hàng cá nhân, phải mua bảo hiểm một cách miễn cưỡng.
Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng thương mại ở Việt Nam đẩy mạnh nguồn thu từ hoạt động bancassurance, áp lực doanh số đè lên các phòng kinh doanh và nhân viên khiến cho việc lạm dụng “giải pháp kỹ thuật” dường như đã vượt khỏi lằn ranh đỏ. Có lẽ vì vậy mà Ngân hàng Nhà nước vừa ra thông báo, nhấn mạnh các ngân hàng không được ép khách hàng mua bảo hiểmkhi vay vốn.
Bancassurance là cần thiết vì đem lại lợi ích cho cho cả ngân hàng và khách hàng, nhưng trong trường hợp khách hàng bị chèn ép, cơ chế nào để bảo vệ khách hàng và khách hàng làm sao để tự bảo vệ lợi ích của mình?
Bảo hiểm là bảo hiểm nào?
Để đảm bảo an toàn vốn cho vay, các ngân hàng được quyền yêu cầu bên đi vay mua bảo hiểm để đảm bảo giá trị tài sản được hình thành từ vốn vay, hay nguồn thu nhập của bên đi vay nếu không may trường hợp rủi ro xảy ra. Lấy một ví dụ đơn giản là trường hợp vay tiền mua ô tô, mua nhà, xây dựng nhà xưởng... thì bên đi vay phải mua bảo hiểm cho tài sảnđó để phòng ngừa rủi ro.
Trường hợp để bảo vệ nguồn thu nhập chi trả định kỳ cho lãi và nợ gốc, đối với khách hàng doanh nghiệp có thêm bảo hiểm gián đoạn kinh doanh, còn đối với khách hàng cá nhân là bảo hiểm nhân thọ gắn liền với khoản vay.
Để người đi vay không còn bị ép mua sản phẩm bảo hiểm nhân thọ không phù hợp với khoản vay, cơ quan quản lý nhà nước cần sớm có quy định sản phẩm bảo hiểm nhân thọ được lồng ghép chỉ được thuần túy bảo vệ rủi ro.
Thị trường bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam hiện nay có nhiều sản phẩm như một mê cung, nào sản phẩm chính nào sản phẩm bổ sung. Nhưng sản phẩm bảo hiểm nào mới thực sự cần thiết cho khoản vay? Về cơ bản, các công ty bảo hiểm nhân thọ cung cấp bảo hiểm tử kỳ (chi trả trong trường hợp tử vong), bảo hiểm hỗn hợp (kết hợp tử kỳ với tiết kiệm/đầu tư), bảo hiểm hưu trí, và bảo hiểm sức khỏe dài hạn.
Đặc trưng của bảo hiểm nhân thọ là thời hạn bảo hiểm dài (trong một số năm hay trọn đời), đảm bảo cho rủi ro chính là tử vong và có thể mở rộng sang trường hợp thương tật toàn bộ vĩnh viễn.
Tuy nhiên, trên thực tế, các công ty bảo hiểm nhân thọ kết hợp thêm yếu tố tiết kiệm và đầu tư vào trong sản phẩm bảo hiểm chính, tạo ra nhiều sản phẩm mới và những sản phẩm này là nguồn doanh thu phí bảo hiểm quan trọng của công ty.
Như vậy, trong trường hợp khách hàng vay là cá nhân cần bảo vệ nguồn thu nhập thì chỉ cần sản phẩm bảo hiểm nhân thọ tử kỳ có kỳ hạn tương ứng khoản vay hoặc mở rộng rủi ro thương tật toàn bộ vĩnh viễn là đủ, bên cạnh bảo hiểm cho tài sản được hình thành từ vốn vay. Nhưng có lẽ bởi vì phí bảo hiểm thuần túy bảo vệ rủi ro như bảo hiểm tử kỳ thấp nên phía ngân hàng hướng khách hàng qua các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ kết hợp tiết kiệm và đầu tư.
Bảo vệ lợi ích của khách hàng
Dịch vụ tài chính bảo hiểm cũng là một loại hàng hóa dịch vụ nên ở nhiều nước, ngoài luật chuyên ngành bảo hiểm thì bên mua bảo hiểmcòn được bảo vệ qua luật về bảo vệ người tiêu dùng. Lấy ví dụ như Luật số 2014-344 của Pháp, hay còn gọi là Luật Hamon (lấy tên người đề xuất dự thảo luật lúc đó là ông Benoît Hamon) cho phép bên mua bảo hiểm dễ dàng đổi công ty bảo hiểm sau thời hạn một năm, dễ dàng như đổi công ty cung cấp dịch vụ điện thoại nhưng vẫn giữ lại số cũ, và các thủ tục cần thiết sẽ do công ty bảo hiểm mới đảm nhận.
Quy định này đã giúp bên mua bảo hiểm có thể dễ dàng thay đổi công ty bảo hiểm để có mức phí hay dịch vụ tốt hơn, không như trước kia rất lằng nhằng khi tự hủy hợp đồng và chuyển sang công ty bảo hiểm khác.
Hiện nay, do chưa có quy định cụ thể sản phẩm bảo hiểm nhân thọ nào được phép lồng ghép vào điều kiện vay vốn như là “quy định kỹ thuật” nên các ngân hàng vẫn còn có thể tận dụng vị thế của mình. Một khi việc này được rạch ròi thì bước tiếp theo nên tham khảo kinh nghiệm cho phép bên mua bảo hiểm dễ dàng thay đổi công ty bảo hiểm.
Nhưng việc bảo vệ lợi ích khách hàng còn phụ thuộc nhiều vào khả năng tự bảo vệ của khách hàng. Việc kết hợp sản phẩm ngân hàng với bảo hiểm là chiến thuật kinh doanh của tất cả các ngân hàng, cái này giảm thì cái kia tăng để bù lại, về phía khách hàng phải cân nhắc chi phí cuối cùng và các lợi ích - chi phí khác nếu có, như các giao dịch khác đang có hay sẽ có với ngân hàng.
Ngày nay, việc kiểm tra, so sánh lãi suấtvà phí giữa các ngân hàng không phải là quá khó và phức tạp, nếu có chỉ là mất nhiều thời gian. Không những thế, các dịch vụ so sánh trực tuyến, hay các dịch vụ tư vấn độc lập cũng có thể giúp khách hàng có sự lựa chọn tốt hơn.
Như vậy, để người đi vay không còn bị ép mua sản phẩm bảo hiểm nhân thọkhông phù hợp với khoản vay, cơ quan quản lý nhà nước cần sớm có quy định sản phẩm bảo hiểm nhân thọ được lồng ghép chỉ được thuần túy bảo vệ rủi ro. Về phía người đi vay, cần nâng cao hiểu biết về sản phẩm ngân hàng, bảo hiểm, nên so sánh giữa một vài ngân hàng trước khi quyết định hoặc thông qua một nhà tư vấn độc lập đủ uy tín.