Theo Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Nguyễn Nhất Kha, trong những năm qua mặc dù Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành một số chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động đại lý hải quan, nhưng sự phát triển của hoạt động đại lý chưa đạt như mong đợi. Cho đến nay, phía cơ quan Hải quan vẫn luôn tìm sự hỗ trợ, giải pháp để giúp cho hoạt động đại lý hải quan được phát triển.
Theo thống kê mới nhất của Cục Giám sát quản lý về hải quan, hiện có 167 DN đại lý làm thủ tục hải quan, trong đó có 267 nhân viên đại lý được cấp phép. Số tờ khai do đại lý đứng tên đóng dấu năm 2012 chỉ khoảng 20.000 so với gần 5 triệu tờ khai. Qua khảo sát của cơ quan Hải quan, trên thực tế các DN đại lý đã hỗ trợ khá nhiều DN XNK trong quá trình làm thủ tục, nhưng phần nhiều đại lý chỉ chuẩn bị các thông tin khai giúp nhà XNK và thay mặt nhà XNK chuyển dữ liệu đến cơ quan Hải quan.
Ông Kha cho biết, sở dĩ số lượng đại lý đứng tên trên tờ khai chưa nhiều bởi các chính sách hiện hành chưa có sự khác biệt giữa nhà XNK và đại lý hải quan. Đại lý chưa thấy ích lợi giữa việc đứng tên, đóng dấu trên tờ khai. Nhà XNK cũng chưa tin tưởng khi giao cho đại lý đứng tên và đại lý cũng e ngại trong việc thanh toán tiền thuế sau khi đại lý ký tên, đóng dấu trên tờ khai và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế giúp nhà XNK.
Bên cạnh đó, các đại lý làm thủ tục cũng chưa thành lập hiệp hội. Điều này ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của đại lý hải quan, khi cơ quan Hải quan muốn lắng nghe ý kiến của đại lý.
Chuyên gia tư vấn đến từ Tổ chức Hải quan thế giới (WCO), ông Daniel Perrier cho rằng, việc xây dựng hiệp hội đại lý hải quan sẽ giúp cho việc cơ cấu và cải thiện đối thoại giữa hai bên DN đại lý và cơ quan Hải quan. Trong dự án này, WCO sẽ hỗ trợ quá trình thành lập hiệp hội, đồng thời cũng đưa ra tư vấn trong việc xây dựng và triển khai các việc của hiệp hội, từ đó nâng cao tính chính xác của tờ khai và mức độ tham gia của đại lý hải quan trong việc xây dựng chính sách hải quan.
Đồng tình với khuyến nghị của đại diện WCO, ông Nguyễn Nhất Kha cho rằng, hiện nay hoạt động đại lý mang tính chất đơn lẻ, vì vậy những báo cáo, ý kiến đóng góp từ phía DN đại lý đến cơ quan Hải quan thường không đầy đủ và rõ ràng. Do đó, cơ quan Hải quan rất khó để xây dựng một kế hoạch phát triển cho đại lý hải quan. Theo ông Kha, giữa các DN đại lý cần có một đầu mối kết nối giữa cơ quan Hải quan với DN đại lý; có người phát ngôn cho các DN đại lý sẽ rất có lợi cho cả hai phía.
Mặc dù quan điểm của chuyên gia và cơ quan Hải quan về việc cần có đầu mối giữa các đại lý được các DN đại lý rất đồng tình, nhưng trước mắt các đại lý đều cho rằng chưa nên thành lập một hiệp hội độc lập. Theo đại diện Hiệp hội Giao nhận kho vận Việt Nam, nếu thành lập riêng một hiệp hội đại lý hải quan sẽ dẫn đến chồng chéo với hoạt động của Hiệp hội giao nhận. Vì hiện nay, trong Hiệp hội Giao nhận có đến 40% thành viên là các DN đại lý. Hiện nay Hiệp hội Giao nhận cũng đã thành lập Ban Đại lý hải quan. Hơn nữa, hoạt động đại lý hải quan là một công việc của hoạt động giao nhận, logistics.
Đại diện Công ty tiếp vận Thăng Long cho rằng, thành lập một hiệp hội sẽ giúp các đại lý hải quan trong việc có những kiến nghị, đề đạt lên Chính phủ và cơ quan quản lý đạt hiệu quả. Tuy nhiên, do các DN đại lý chưa nhiều nên trước mắt hiệp hội về đại lý hải quan nên nằm trong Hiệp hội Giao nhận.
Mặc dù, việc thành lập một hiệp hội đại lý hải quan mới chỉ là kế hoạch và chưa thể thực hiện trong một sớm một chiều, nhưng điều này là cần thiết dù là hiệp hội độc lập hay hiệp hội thuộc hiệp hội giao nhận. Về phía các chuyên gia đến từ WCO, kế hoạch hành động giúp Việt Nam phát triển hệ thống đại lý hải quan sẽ được triển khai trong 3 năm. Bắt đầu từ đầu năm 2013 kế hoạch này đã được khởi động tại Việt Nam, việc giúp Việt Nam thành lập một hiệp hội đại lý hải quan là một mục tiêu nằm trong kế hoạch này.
Ngọc Linh