Theo ông Ngô Minh Hải-Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), công tác quản lý chuyên ngành trong thời gian qua đang là trở ngại lớn, kéo dài thời gian thông quan hàng hóa XNK và làm tăng chí phí cho DN. Đây cũng là nguyên nhân, là lực cản cơ bản đối với việc cải thiện chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới. Thời gian qua, theo chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính đã tích cực kiến nghị các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung các chính sách liên quan đến quản lý chuyên ngành, kiểm tra chuyên ngành. Trên cơ sở báo cáo của Bộ Tài chính liên quan đến vấn đề này, mới đây Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có chỉ đạo các bộ ngành có liên quan rà soát thống nhất Danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành theo hướng không chồng chéo đối với cùng một mặt hàng phải kiểm tra của nhiều cơ quan như đề nghị của Bộ Tài chính. Đồng thời, khẩn trương ban hành Danh mục hàng hóa XNK thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan theo đúng nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 19-2017/NQ-CP…
Để thực hiện nhiệm vụ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành, các bộ, ngành cũng đã và đang triển khai nhiều giải pháp. Bộ Công Thương thống nhất sự cần thiết rà soát các quy định liên quan đến kiểm tra chuyên ngành để cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN. Tuy nhiên vẫn phải đảm bảo việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, đầy đủ các chỉ tiêu, yêu cầu cần thiết về chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm dịch, môi trường. Vấn đề đặt ra là cần phải ban hành quy trình thực hiện công khai, minh bạch theo hướng tạo thuận lợi cho DN, ban hành danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành có mã số HS cụ thể để tạo thuận lợi cho công tác thực thi của các cơ quan quản lý cũng như việc thực hiện của các DN. Theo Bộ Công Thương, thời gian qua, với vai trò là Bộ chủ trì triển khai thực hiện Nghị định số 187/2013/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp với các bộ, ngành rà soát danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành và danh mục hàng hóa phải kiểm tra trước khi thông quan của các bộ, ngành để nghiên cứu thực hiện đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian, danh mục hàng hóa phải kiểm tra trước khi thông quan theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bộ này đang đẩy mạnh triển khai thực hiện cấp phép/Giấy chứng nhận điện tử đối với các lĩnh vực quản lý nhà nước chuyên ngành của bộ và các đơn vị thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại. Để rút ngắn đầu mối thực hiện kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm trong cùng một bộ, hiện tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao đầu mối là Cục Thú y thực hiện kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm khi NK đối với các sản phẩm tại mục 1, mục 2 Phụ lục Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT và Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT. Đối với quản lý phân bón, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang khẩn trương tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị định 202/2013/NĐ-CP của Chính phủ về phân bón. Thực hiện các giải pháp đổi mới kiểm tra chuyên ngành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết đối với các hàng hóa có nguy cơ lây lan dịch bệnh thì thực hiện kiểm tra tại cửa khẩu. Các loại hàng hóa thuộc diện kiểm tra chỉ kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm nên thực hiện kiểm tra theo hướng quản lý rủi ro sau thông quan.
Về phía Bộ Xây dựng, được biết, bộ này đang triển khai nghiên cứu rà soát, xem xét sửa đổi, bổ sung, thay thế Thông tư 15/2014/TT-BXD về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia mã số QCVN 16:2014/BXD quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng. Thông tư ban hành sẽ thay thế các Thông tư: số 15/2014/TT-BXD, số 11/2009/TT-BXD, số 01/2010/TT-BXD, số 14/2010/TT-BXD. Đối với danh mục sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng, sẽ được nghiên cứu giảm đối với sản phẩm, hàng hóa không cần thiết quản lý.
Về phía Bộ Giao thông vận tải, phương án đổi mới được đưa ra là cần đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến, kết nối cơ chế hải quan một cửa quốc gia. Thông qua một cửa quốc gia người dân thực hiện trực tuyến kê khai, nộp hồ sơ, nộp tiền, nhận kết quả… mà không phải gặp trực tiếp cơ quan quản lý sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí của DN đồng thời loại bỏ được hiện tượng nhũng nhiễu, phiền hà.