Tổng thống Ukraine nêu kịch bản xấu nhất trong cuộc xung đột với Nga
(Dân trí) - Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng, trong kịch bản xấu nhất, Mỹ sẽ cắt viện trợ và Kiev sẽ thua trong cuộc xung đột với Nga.
"Nếu họ (Mỹ) cắt viện trợ, tôi nghĩ là chúng tôi sẽ thua. Tất nhiên, chúng tôi sẽ chiến đấu. Chúng tôi có nền sản xuất của riêng mình, nhưng không đủ để giúp chúng tôi giành chiến thắng", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trả lời phỏng vấn hãng tin Fox News ngày 19/11 về kịch bản xấu nhất có thể xảy ra trong cuộc xung đột với Nga.
Do vậy, ông hối thúc Mỹ và các đồng minh, đối tác tiếp tục hỗ trợ Ukraine để đạt được một nền hòa bình bền vững, đảm bảo an ninh toàn châu Âu.
Theo Tổng thống Zelensky, "sự đoàn kết" giữa Ukraine và Mỹ là yếu tố quan trọng nhất. Ông cho biết: "Giai đoạn hiện tại phụ thuộc vào sự đoàn kết của Ukraine. Tôi cũng cho rằng sẽ rất nguy hiểm nếu chúng ta mất đoàn kết tại châu Âu và điều quan trọng nhất là sự đoàn kết giữa Ukraine và Mỹ".
Nhà lãnh đạo Ukraine tin rằng Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thể tác động đến Nga để chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài gần 3 năm. "Nga có thể sẵn sàng và kết thúc cuộc chiến này, nhưng điều đó cũng phụ thuộc vào Mỹ nhiều hơn", ông nói.
Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia hôm qua cũng cảnh báo, việc ông Trump trở lại Nhà Trắng và kịch bản chính quyền mới của Mỹ rà soát lại hoạt động viện trợ sẽ là "ác mộng" đối với Ukraine.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump nhiều lần tuyên bố có thể chấm dứt xung đột Nga - Ukraine trong vòng 24 giờ sau khi tái đắc cử. Ông từ lâu đã phản đối việc Mỹ đổ hàng tỷ USD viện trợ quân sựcho Ukraine.
Lập trường của chủ nhân Nhà Trắng tương lai khiến Ukraine lo ngại Mỹ sẽ cắt viện trợ cho Kiev sau khi ông Trump nhậm chức vào đầu năm tới.
Với việc Nga đang giành ưu thế trên chiến trường, Ukraine lo ngại sẽ phải chấp nhận đưa ra một số nhượng bộ với Nga để tiếp tục có được sự hỗ trợ của Washington.
Trong nỗ lực nhằm giúp Ukraine có được vị thế tốt hơn trước bất cứ cuộc hòa đàm nào với Nga, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cuối tuần qua được cho là đã dỡ bỏ hạn chế, cho phép Kiev sử dụng vũ khí tầm xa do Mỹ viện trợ để tập kích mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, Ukraine đã bắn 6 tên lửa chiến thuật ATACMS do Mỹ sản xuất vào vùng biên giới Bryansk của Nga đêm 18/11, rạng sáng 19/11. Nếu được xác nhận, đây là lần đầu tiên Kiev sử dụng tên lửa có tầm bắn lên tới 300km để nhắm vào lãnh thổ Nga.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ, các cuộc tấn công của Ukraine vào sâu lãnh thổ Nga có ý nghĩa quan trọng để làm suy yếu tiềm lực của Moscow.
"Các cuộc tấn công tầm xa của Ukraine nhằm vào mục tiêu quân sự ở hậu phương Nga có vai trò quan trọng làm suy giảm khả năng quân sự của Nga trên khắp mặt trận... Tất cả hệ thống và năng lực mà Ukraine nhận được đều cần thiết để tiến hành thành công các hoạt động chiến đấu quy mô lớn, và Ukraine vẫn chưa có cơ hội chứng minh những gì Ukraine có thể đạt được khi được cung cấp nguồn lực hợp lý", ISW nhận định.
ISW nói thêm, sự hỗ trợ quân sự liên tục và ngày càng tăng của phương Tây là điều cần thiết để lực lượng Ukraine giành lại các vùng lãnh thổ. ISW nhấn mạnh, Ukraine cần tiếp cận bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tương lai với Nga từ thế mạnh.
Về phía Nga, Điện Kremlin chỉ trích việc phương Tây tiếp tục viện trợ cho Ukraine, cho rằng hành động này chỉ khiến xung đột leo thang, mà không thể giúp Ukraine lật ngược tình thế.