Trước tình hình dịch Covid-19 bùng nổ và phát triển, hoạt động thương mại kể cả thương mại quốc tế dần dịch chuyển sang giao dịch thương mại điện tử. Một trong những "kênh" giao dịch của loại hình này là thông qua dịch vụ bưu chính viễn thông để vận chuyển trái phép hàng hóa nhập lậu. Xuất phát từ những lý do nêu trên, dự báo hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vào nội địa sẽ có những diễn biến mới. Đáng chú ý, một số đối tượng lợi dụng dịch vụ bưu chính viễn thông như một "kênh" thuận lợi để vận chuyển hàng hóa nhập lậu được hợp thức hóa bằng hóa đơn bán hàng từ biên giới về nội địa tiêu thụ có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho các lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong công tác kiểm tra, bắt giữ, xử lý. Theo phản ánh qua đường dây nóng của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, gần đây trên địa bàn một số tỉnh như Bắc Ninh, Hà Nội... một số đối tượng có kinh doanh các mặt hàng mỹ phẩm có nguồn gốc nhập lậu số lượng lớn, không đảm bảo chất lượng sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh để vận chuyển đưa đi các nơi tiêu thụ. Điển hình về hoạt động vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc bằng đường bưu chính là vụ kho hàng lậu 10.000m2 tại Lào Cai vừa được lực lượng chức năng triệt phá. Hàng hóa được chuyển cho khách sỉ, lẻ trên toàn quốc qua kênh chuyển phát nhanh. Mặt khác, tại một số cảng nội địa (ICD) các đối tượng lợi dụng các kho hàng này để kinh doanh hàng nhập lậu sau đó thông qua dịch vụ bưu chính để vận chuyển đi tiêu thụ. Theo quy định của pháp luật hiện hành, các đơn vị vận chuyển hàng hóa nói chung, dịch vụ vận chuyển hàng hóa thuộc lĩnh vực bưu chính viễn thông nói riêng không chịu trách nhiệm đối với hàng hóa do các đơn vị này nhận vận chuyển (trừ hàng cấm theo quy định của pháp luật). Hàng hóa đều do người gửi và người nhận chịu trách nhiệm. Đối với đơn vị kinh doanh chuyển phát nhanh chỉ cần đăng ký kinh doanh dịch vụ bưu chính là có thể được hoạt động. Do đó, theo quy định hàng hóa do các công ty dịch vụ bưu chính vận chuyển khi các lực chức năng muốn kiểm tra phải đưa về trụ sở của bưu cục. Mặt khác, các công ty dịch vụ bưu chính khi vận chuyển hàng hóa thường sử dụng xe chuyên dùng, nên thường ít bị kiểm tra khi vận chuyển hàng hóa lưu thông trên đường. Hiện có rất nhiều DN đăng ký hoạt động dịch vụ bưu chính, mục đích để vận chuyển hàng hóa, trong đó có cả lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ... Để kịp thời ngăn chặn tình trạng trên, thiết nghĩ Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố tham mưu cho lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường phối hợp thực hiện tốt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong đó chú trọng đối với phương thức thông qua dịch vụ bưu chính để vận chuyển hàng hóa nhập lậu, không để hình thành, phát sinh các điểm nóng, phức tạp về buôn lậu trong hoạt động này. Lực lượng Hải quan tập trung kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ đối với hàng hóa được vận chuyển thông qua hoạt động dịch vụ chuyển phát nhanh trong địa bàn kiểm soát hải quan; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Lực lượng Công an, Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát các tuyến trọng điểm, các điểm dịch vụ bưu chính, các cơ sở kinh doanh có sử dụng hóa đơn bán hàng, hóa đơn giá trị gia tawngnhawmf kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng vị phạm. Cần sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ bưu chính viễn thông để đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động bưu chính. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa qua dịch vụ bưu chính. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong quá trình vận chuyển hàng hóa có nguồn gốc nhập lậu lưu thông trên đường. |