Cùng với thực hiện các chính sách giảm nghèo,ơidậykhtvọlanus huyện Phụng Hiệp còn đẩy mạnh tuyên truyền, khơi dậy khát vọng vươn lên của hộ nghèo. Nhờ thực hiện mô hình nuôi ếch và tiết kiệm trong chi tiêu, gia đình anh Trình đã thoát nghèo. Hộ nghèo cố gắng vươn lên Trước đây, gia đình anh Trần Phúc Trình, ở ấp Phương Quới B, xã Phương Bình, là hộ nghèo. Song với sự động viên, hỗ trợ của chính quyền địa phương, tinh thần chịu khó, quyết tâm vươn lên, gia đình anh đã vượt nghèo. Nhớ về những tháng ngày vất vả trước đây, anh Trình cho biết: “Lúc trước khó khăn, chật vật dữ lắm, đi làm mướn suốt. Nhưng số tiền kiếm được chỉ tạm đủ mua gạo, chi tiêu trong gia đình, cuộc sống lúc nào cũng túng thiếu”. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, người dân tích cực tham gia dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhìn vợ con vất vả vì nghèo khó, anh Trình luôn trăn trở, suy nghĩ tìm cách làm ăn, để cải thiện đời sống. Rồi gia đình quyết định thực hiện mô hình nuôi ếch, hy vọng kinh tế khởi sắc hơn. Nói là làm. Năm 2020, anh Trình mua ếch về nuôi, lúc đầu do chưa có vốn và kinh nghiệm nên anh chỉ nuôi với số lượng ít, vài trăm con. Sau hơn 2 tháng thả nuôi, ếch đạt trọng lượng 4-5 con/kg, nhờ bán được giá, gia đình thu lãi cũng khá. Kể từ vụ nuôi sau anh Trình thả nuôi với số lượng nhiều hơn, nên khi thu hoạch cho thu nhập cũng cao hơn. Hiện nay, gia đình đang nuôi 5.000 con ếch, khoảng nửa tháng nữa sẽ xuất bán. Anh Trình chia sẻ: “Mô hình nuôi ếch dễ thực hiện, không chiếm nhiều diện tích, công chăm sóc không nhiều, mỗi đợt nuôi kéo dài khoảng 2-2,5 tháng. Với mô hình này tôi có nguồn thu nhập ổn định. Những lúc rảnh tôi còn đi làm phụ hồ. Nhờ đó, cuộc sống từng bước vượt qua khó khăn, ổn định, vươn lên thoát nghèo”. Để nuôi ếch đạt chất lượng, theo anh Trình người nuôi phải nắm rõ kỹ thuật, thường xuyên theo dõi, không để nguồn nước nuôi bị ô nhiễm, cân đối nguồn thức ăn cho hợp lý. Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, “người trong cuộc” đã chủ động vươn lên, xây dựng cuộc sống mới, tránh được tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng. Nhờ đó, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện. Nếu như đầu năm 2022, huyện Phụng Hiệp có 5.160 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 10,1%), thì đến nay giảm còn 2.697 hộ (chiếm tỷ lệ 5,3%), đời sống người dân ngày càng được nâng lên về vật chất lẫn tinh thần. Xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại Theo bà Lê Thị Út, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Mỹ: Nhằm nâng cao nhận thức, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và khơi dậy ý chí quyết tâm, khát vọng vươn lên thoát nghèo của người dân, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách giảm nghèo; mục đích, ý nghĩa của các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; các mô hình, cách làm có hiệu quả về giảm nghèo trong cộng đồng. Qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của người dân. Được địa phương tuyên truyền, gia đình anh Huỳnh Văn Hoài, ở ấp 4, xã Hòa Mỹ, quyết tâm thoát nghèo. Anh Hoài chia sẻ: “Là hộ nghèo tuy được hưởng nhiều chính sách của Nhà nước, được tặng quà mỗi dịp tết, tuy nhiên cũng mang nhiều mặc cảm với bà con lối xóm. Vợ chồng tôi sẽ cố gắng phấn đấu, tiếp tục chăn nuôi để nâng cao thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo”. Để tạo điều kiện cho gia đình thoát nghèo, năm 2023 chính quyền địa phương tuyên truyền về dự án chăn nuôi heo, gia đình đã đăng ký tham gia và được hỗ trợ 4 con heo. Đến nay, đã bán một đợt và tiếp tục mua con giống về nuôi lại. Năm nay, xã Phụng Hiệp phấn đấu giảm 4% hộ nghèo (tương đương 80 hộ). Cùng với thực hiện đồng bộ các giải pháp về vay vốn ưu đãi, hỗ trợ nhà ở, giới thiệu việc làm, hỗ trợ sinh kế, cấp ủy, chính quyền xã Phụng Hiệp xác định phải làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác giảm nghèo; công tác tuyên truyền phải thực hiện với nhiều hình thức, đa dạng về nội dung. Ông Nguyễn Văn Túc, Chủ tịch UBND xã Phụng Hiệp, nhấn mạnh: “Tuyên truyền, khích lệ khát vọng thoát nghèo của người dân là giải pháp then chốt để người dân ý thức được trách nhiệm của mình trong thực hiện công tác giảm nghèo. Một khi xóa được tâm lý trông chờ, ỷ lại, hộ nghèo sẽ tận dụng nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng động để làm “bệ đỡ” phát triển kinh tế gia đình. Khi khơi dậy được tinh thần tự lực của người nghèo thì giảm nghèo mới bền vững, tránh được tình trạng tái nghèo”. Huyện Phụng Hiệp có 2.697 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,3% và 2.639 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 5,2%. Để thực hiện đạt chỉ tiêu giảm nghèo, theo ông Đặng Việt Hiểu, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phụng Hiệp: Cùng với công tác tuyên truyền, khơi dậy ý chí chủ động, tư lực vươn lên của người nghèo, huyện tiếp tục thông tin và vận động người dân tham gia thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; vận động xây dựng và sửa chữa nhà ở; tạo điều kiện để hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn thực hiện mô hình làm ăn phát triển kinh tế; tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất; đào tạo nghề, giải quyết việc làm; hỗ trợ hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản… “Đầu năm 2022, huyện Phụng Hiệp còn 5.160 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 10,1%), đến nay giảm còn 2.697 hộ (chiếm tỷ lệ 5,3%), đời sống người dân ngày càng được nâng lên về vật chất lẫn tinh thần. Thực hiện Dự án: đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, năm 2023 huyện Phụng Hiệp đã thực hiện 24 dự án, mô hình. Từ đầu năm đến nay các xã, thị trấn đã xây dựng được 17 dự án, mô hình nuôi heo thịt thương phẩm, nuôi bò, nuôi dê thịt thương phẩm, nuôi ếch… với 283 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo tham gia.” |
BÍCH CHÂU |