Văn phòng của WHO tại châu Âu nêu rõ việc tăng thuế các đồ uống chứa cồn là một trong những giải pháp tốt nhất và hiệu quả nhất để ngăn ngừa bệnh ung thư. Nếu chủ trương này được thực thi, theo WHO, Nga và Anh sẽ là 2 nước được hưởng lợi nhiều nhất. Theo WHO, việc tiêu thụ các đồ uống chứa cồn là nguyên nhân gây các bệnh ung thư liên quan đến khoang miệng, hầu, thực quản, đại trực tràng, gan, thanh quản và ung thư vú ở nữ giới. Văn phòng WHO tại châu Âu ước tính mỗi năm tại khu vực này có thêm 180.000 bệnh nhân ung thư, trong đó có 85.000 bệnh nhân ung thư tử vong mỗi năm có liên quan đến đồ uống có cồn. Theo cơ quan trên, mức thuế đối với đồ uống có cồn ở phần lớn khu vực châu Âu đều đang ở mức thấp, đặc biệt tại 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU). Trước đó, tạp chí y học của Anh Lancet công bố nghiên cứu cho thấy Nga và Đức là hai nước châu Âu có thể cứu được nhiều người thoát khỏi "lưỡi hái tử thần" nhất bằng biện pháp đánh thuế này. WHO tại châu Âu cũng nêu rõ việc tăng gấp đôi thuế đối với các sản phẩm rượu, bia đặc biệt hiệu quả ngăn ngừa số ca tử vong do ung thư vú (1.000 ca/năm) và ung thư đại tràng (1.700 ca/năm). Theo WHO tại châu Âu, trong năm 2020 châu lục này có tổng cộng 4,8 triệu người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Theo TTXVN |