(CMO) Chiều 17/9, tại buổi tiếp và làm việc với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, lãnh đạo tỉnh Cà Mau đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, chủ trương thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thuỷ sản.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, giai đoạn 2016-2018, GRDP của Cà Mau tăng bình quân 6,36%. Tỉnh tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, hiện đại, thích ứng kinh tế thị trường, biến đổi khí hậu; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ KHCN trong các ngành, lĩnh vực, xây dựng một số chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm, đăng kí bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm hàng hoá đặc sản, đặc thù của tỉnh. Lĩnh vực nông nghiệp phát triển ổn định, sản lượng lúa hằng năm đạt trên 530.000 tấn; tổng sản lượng thuỷ sản đạt trên 1,57 triệu tấn. Công tác quản lý, bảo vệ rừng đạt kết quả tích cực, diện tích rừng tập trung đạt 95.100 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 25,3%. Đến nay có 29/82 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 35,4%. Giai đoạn 2016-2018, Cà Mau đón 3,7 triệu lượt khách du lịch, doanh thu đạt trên 3.000 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, năm 2018 còn 4,04%, giảm 1,92% so với năm 2017... Trong lĩnh vực KH&CN, Cà Mau tập trung thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện, thành phố. Trong đó, đối với cấp Trung ương tập, trung nghiên cứu cứng hoá đất bùn nạo vét để sử dụng trong san lấp mặt bằng thay thế cát; hoàn thiện công nghệ và hệ thống thiết bị sản xuất Chitosan từ phụ phẩm tôm quy mô công nghiệp - nhiệm vụ KH&CN thuộc Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đối với Công ty CP Việt Nam Food; triển khai 2 nhiệm vụ KH&CN thuộc chương trình nông thôn miền núi gồm: Chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và xây dựng mô hình trồng chuối già Philiphine đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ở vùng U Minh Hạ và Xây dựng mô hình trồng xen canh chanh không hạt và đu đủ ruột vàng trên vùng đất phèn nặng xã Khánh An, huyện U Minh... Đối với việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN, tỉnh đã tổ chức nghiệm thu 46 nhiệm vụ. Theo đánh giá, có trên 70% đề tài, dự án đã nghiệm thu được chuyển giao ứng dụng vào thực tiễn và đời sống có hiệu quả. Hiện nay, tỉnh đã xây dựng bảo hộ được 13 nhãn hiệu (10 nhãn hiệu tập thể và 3 nhãn hiệu chứng nhận). Đồng thời, đang tiếp tục xây dựng 5 hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận. Sở KH&CN đã hướng dẫn cho hơn 1.000 tổ chức, cá nhân nộp đơn bảo hộ và được Cục sở hữu trí tuệ cấp 801 giấy chứng nhận bảo hộ cho các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN còn tồn tại nhiều khó khăn hạn chế. Năm 2019, số lượng đăng ký nhiệm vụ giảm còn khoảng 70% so với trước; số nhiệm vụ được phê duyệt giảm còn 3 nhiệm vụ/năm (so với trước trung bình khoảng 10 nhiệm vụ/năm). Hiện nay, người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ vào nguồn vốn hỗ trợ đầu tư của nhà nước nên đa số đề tài, dự án sau khi kết thúc hỗ trợ thì việc duy trì và phát triển của địa phương còn nhiều khó khăn.
Tại buổi làm việc, tỉnh Cà Mau đề xuất với Bộ KH&CN và các bộ, ngành có liên quan hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho việc xây dựng trung tâm khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo của tỉnh, đào tạo cho đội ngũ cán bộ làm công tác khởi nghiệp, tổ chức các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Hỗ trợ tỉnh tạo lập và phát triển thương hiệu của các sản phẩm trọng điểm, chủ lực của địa phương như: chỉ dẫn địa lý tôm sú, cua Cà Mau; nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận chuối xiêm Cà Mau, gỗ… thông qua các dự án cụ thể. Bộ KH&CN nghiên cứu, có chủ trương đầu tư cho tỉnh Cà Mau thực hiện chương trình nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, ứng dụng và nhân rộng các mô hình, dự án sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ sản; Hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, cấp Bộ để giải quyết những vấn đề bức thiết trong phát triển kinh tế - xã hội hiện nay của Cà Mau, nhất là tình trạng biến đổi khí hậu, sạt lở bờ biển. Đồng thời, tỉnh cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, chủ trương thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thuỷ sản tại tỉnh Cà Mau; Khu nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao.../. Thảo Mơ - Hoàng Diệu
|