Trong chuỗi ngày vận động ứng cử tại TP. Hồ Chí Minh, trước khi diễn ra cuộc bầu cử, ngày hội non sông, tại đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Tôn Đức Thắng; dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ anh linh của hàng vạn Mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong hai cuộc kháng chiến…
Trong cả cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh có 3 lần cầm lá phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội các khóa I, II, III. Tại cuộc tiếp xúc giữa các ứng cử viên với đại biểu nhân dân Hà Nội ở Nhà hát Lớn thành phố ngày 24/4/1960, Bác nhắn nhủ đến đồng bào, “lá phiếu cử tri có một giá trị rất cao quý; nó là một dấu hiệu xác nhận rằng, Nhân dân thật sự làm chủ nước nhà. Nhân dân ta đã đấu tranh lâu dài và anh dũng, đã hy sinh biết bao xương máu trong cách mạng và trong kháng chiến mới giành được và giữ được quyền dùng lá phiếu ấy”. Và Người kêu gọi, “đối với lợi ích chung của Tổ quốc cũng như đối với lợi ích riêng của mỗi người, đồng bào cử tri phải làm tròn nhiệm vụ của mình, nhắc nhủ nhau hăng hái đi bỏ phiếu ngày tổng tuyển cử”.
Giờ đây, dù Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng lớp lớp thế hệ người dân vẫn luôn ghi nhớ lời nhắn nhủ của Người “làm tròn nhiệm vụ”. Lần giở tấm thẻ cử tri được gói rất cẩn thận để không nhàu, không quăn mép mang ra khoe với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, mẹ Việt Nam anh hùng Huỳnh Thị Sè, 96 tuổi, đang sống tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn cho biết sẽ tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vào ngày 23/5/2021 và cảm ơn Chủ tịch nước đã dành thời gian tới thăm.
Dưới ánh nắng chói gắt của miền Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến viếng Đền tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược (huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh), nơi yên nghỉ của hơn 45 nghìn liệt sĩ, trong đó nhiều liệt sĩ chưa được tìm thấy tên đã chiến đấu, hy sinh trên vùng đất Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; dâng hương, dâng hoa tại di tích Nhà thương Giếng Nước, nơi đây vào tháng 8/1941, thực dân Pháp đã lập ra trường bắn để giết hại các đồng chí lãnh đạo Trung ương Đảng như Hà Huy Tập, nguyên Tổng Bí thư Đảng; Võ Văn Tần, nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ; Nguyễn Thị Minh Khai, nguyên Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn... và nhiều đồng bào, chiến sĩ tham gia cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ; dâng hương, dâng hoa tại Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng (huyện Hóc Môn) và cụm Tượng đài Sống vĩ đại - Chết vinh quang, Cụm Tượng đài Chiến sĩ vô danh. Đây cũng là địa danh 18 thôn vườn trầu Hóc Môn Bà Điểm, giặc Pháp đã dựng trường bắn để sát hại các đồng chí lãnh đạo Đảng như đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư; Phan Đăng Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng và hàng trăm chiến sĩ, đồng bào đã tham gia Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940...
Lịch sử dân tộc, hào hùng và đau thương, suốt trên dặm dài mảnh đất hình chữ S, có thể bắt gặp rất nhiều những đài tưởng niệm liệt sĩ mà trong đó nhiều bia mộ chưa có tên. Nhưng họ vẫn còn sống mãi, trong làn khói hương, lại trở về hòa cùng những giờ phút thiêng liêng của ngày hội non sông.
Như lời thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi viết 70 năm trước, “Nước chúng ta/ Nước những người chưa bao giờ khuất/ Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về”.
Đoàn Trần