Giá gas hôm nay tiếp đà leo dốc với mức điều chỉnh gần 5%. Ảnh tư liệu |
Giá gas tăng 4,8%
Giá gas hôm nay tăng 4,8%, lên mức 2,71 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 7/2024 vào lúc 8h05 (giờ Việt Nam).
Đợt nắng nóng tại châu Á đã củng cố nhu cầu khí đốt hạ nguồn ở Ấn Độ, song đây cũng là thị trường nhạy cảm về giá.
Ông Masanori Odaka, Nhà phân tích cấp cao tại Rystad Energy, cho biết, hiện tại, các nhà nhập khẩu Ấn Độ không có lựa chọn nào khác ngoài nhập khẩu LNG giao ngay do nhu cầu điện tăng cao trong bối cảnh nắng nóng gay gắt nhất.
Tuy nhiên, giao hàng vào Ấn Độ thường được giảm giá so với châu Âu hoặc phần còn lại của châu Á, vì vậy tác động đến giá cả toàn cầu là rất hạn chế.
Được biết, Ấn Độ đang trải qua một mùa Hè nóng nực, với một phần thủ đô Delhi ghi nhận nhiệt độ cao nhất từ trước đến nay của đất nước là 52,9°C (127,22°F) trong tuần này. Ít nhất 15 người đã chết do say nắng ở các bang miền Đông nước này.
Giá dầu thô giảm nhẹ
Giá dầu thô giảm nhẹ trong phiên giao dịch sáng ngày thứ Hai (3/6) ngay cả khi OPEC+ đồng ý vào cuối tuần để kéo dài thoả thuận giảm sản xuất sang năm 2025 trong bối cảnh nhóm này tìm cách củng cố thị trường vì nhu cầu tăng trưởng yếu, lãi suất cao và sản lượng của Mỹ đang gia tăng.
Tại thời điểm 7h25 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giảm 0,58% xuống 80,9 USD/thùng và giá dầu WTI của Mỹ giảm 0,22% xuống 76,82 USD.
Chốt phiên giao dịch cuối tuần trước, giá dầu thô Brent ghi nhận ở 81,37 USD và giá dầu WTI đạt 77,18 USD/thùng.
Giá dầu thô Brent giao dịch ở quanh mức 80 USD/thùng trong những ngày gần đây, thấp hơn mức mà nhiều thành viên OPEC+ cần để cân bằng ngân sách của mình.
Lo ngại về tăng trưởng nhu cầu chậm ở nước nhập khẩu dầu hàng đầu Trung Quốc đã gây áp lực lên giá cùng với lượng dầu dự trữ tăng ở các nền kinh tế phát triển.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh do Nga dẫn đầu, gọi chung là OPEC+, đã thực hiện một loạt đợt cắt sản lượng sâu kể từ cuối năm 2022.
Các thành viên OPEC+ hiện giảm sản lượng tổng cộng 5,86 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 5,7% nhu cầu toàn cầu. Con số này bao gồm mức giảm 3,66 triệu thùng/ngày, dự kiến hết hạn vào cuối năm 2024 và đợt giảm tự nguyện của 8 thành viên ở mức 2,2 triệu thùng/ngày, hết hạn vào cuối tháng 6/2024.
Hôm 2/6, OPEC+ đã đồng ý gia hạn mức giảm 3,66 triệu thùng/ngày thêm một năm cho đến cuối năm 2025 và kéo dài mức giảm 2,2 triệu thùng/ngày thêm ba tháng cho đến cuối tháng 9/2024.
Nhóm sẽ dần dần loại bỏ thoả thuận giảm 2,2 triệu thùng/ngày trong suốt một năm từ tháng 10/2024 đến tháng 9/2025.
Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman nói với các phóng viên rằng họ đang chờ đợi lãi suất giảm và một quỹ đạo tốt hơn khi nói đến tăng trưởng kinh tế, chứ không phải các nhóm tăng trưởng ở lẻ tẻ vài nơi.
OPEC dự kiến nhu cầu dầu thô của OPEC+ đạt trung bình 43,65 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm 2024, gợi ý rằng tồn kho sẽ giảm 2,63 triệu thùng/ngày nếu nhóm này duy trì sản lượng ở mức 41,02 triệu thùng/ngày trong tháng 4.
Mức giảm sẽ ít hơn khi nhớm bắt đầu loại bỏ dần thoả thuận giảm tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày vào tháng 10./.